(Bài chia sẻ của Ðức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, sáng thứ Bảy, ngày 12-9-1998, tại nguyện đường Dòng Truyền Giáo Ðức Mẹ Vô Nhiễm (OMI), Strasbourg, Pháp, trong cuộc họp mặt “Niềm Vui Sống Ðạo” của các bạn trẻ Công giáo Việt Nam sống tại Âu Châu, do Trung tâm Nguyễn Trường Tộ tổ chức).
1. Chúa Giêsu kém trí nhớ!
Lúc sắp trút hơi thở, Chúa Giêsu có cuộc đối thoại cuối cùng
với hai người gian phi cùng bị treo trên thập giá cạnh ngài. Một trong
hai người đó thốt lên lời nầy với Chúa Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước
của ông, xin nhớ đến tôi”. Và Chúa nói với anh ấy: “Tôi bảo thật với anh, hôm
nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng” (Lc 23,42-43).
Chúa Giêsu không sưu tra lại lý lịch người đó để nhớ xem hắn
gian ác đến mức độ nào, không cân nhắc tội nặng, nhẹ để châm chước hay tạm ra
hình phạt thế nào đó cho thích đáng. Người gian phi kêu nài Ngài nhớ, thì Ngài
“nhớ” một điều là thấy người ấy trước mắt, còn tất cả mọi điều gian ác trước đó
Ngài đã quên hết, quên đến độ ngay hôm đó hứa ngay Nước Thiên đàng cho anh ta.
Các thánh nói: tên này suốt đời ăn trộm, đến lúc chết nó ăn trộm nước thiên
đàng luôn!
Trong Phúc Âm chúng ta gặp lại nhiều chứng tích về việc Chúa
Giêsu kém trí nhớ như thế. Nhưng qua chuyện ngụ ngôn người cha nhân hậu, sự
kiện đó rõ ràng. Thánh sử Luca kể rằng người con út trong hai con của
cha già đã lấy hết phần gia tài của nó, để bỏ nhà ra đi sống đời phóng đảng,
quên cha, quên anh. Ðến khi tiêu hết tiền, gặp năm đói, thì quay trở về nhà, xin
khai thú tội lỗi mong cha già xét tình cha con mà tha thứ...
Người cha (là hình ảnh Chúa Giêsu), không kể đến tội cũ, chỉ
trông ngóng chờ con; thấy con đằng xa, thì chạy ra đón. Con có thú tội, thì
cũng không cố nghe để hạch hỏi tội cũ mà ra lệnh cho tôi tớ: lấy áo đẹp, giày
tốt, nhẫn quý mang lại cho cậu, làm thịt con bê béo dọn tiệc vì con ta chết mà
nay nó sống lại.
“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông
chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để”. Bấy giờ người con
thưa rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với Cha, con chẳng đáng gọi
là con cha nữa...”. Nhưng người cha liền bảo người giúp việc rằng: “Mau đem áo
đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay , xỏ dép vào chân cậu, rồi đi
bắt con dê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!...” (Lc 15,20-23).
Chúng ta thấy ở đây trí nhớ của Chúa Giêsu dường như không
còn làm việc nữa! Ngài quên vô điều kiện, quên tức khắc tất cả quá khứ không
hay không tốt của ta, mỗi khi chúng ta quay trở về. Ngài chỉ nhớ mỗi người là
con Cha Ngài, là em Ngài, nên khi ta quay lại gặp Ngài, thì tức khắc ta lại
được mặc áo vinh hiển sự sống của Thiên Chúa.
2. Chúa Giêsu không biết làm toán
Trong dụ ngôn con chiên bị mất (x. Mt 18,12-14; Lc 15,4-7),
chúng ta thấy lối cư xử của Chúa Giêsu tỏ ra không biết tính toán. Một kẻ có
100 con chiên ở giữa đồng trống mà mất một con, hẳn phải tính toán xem làm sao
một con đi lạc lại hơn 99 con còn lại. Không những Chúa Giêsu cho rằng 1 con đi
mất cũng bằng 99 con còn lại, mà còn đi xa hơn nữa: Ngài bỏ 99 con còn lại đấy
để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất. Một mà hơn 99, hẳn Chúa Giêsu không
biết làm toán!
Trong chương trình rao giảng của Ngài, không phải số lượng
quần chúng đông đảo mà Chúa Giêsu tìm kiếm, nhưng là những con người; và Ngài
đã không tiếc thì giờ để trao đổi với từng người, giảng dạy cho một người như
chúng ta từng thấy trong cuộc đối thoại với người phụ nữ Samari trên bờ giếng
Giacóp (x. Ga 4,1-42).
3. Chúa Giêsu không sành luận lý
Chúa Giêsu không những không cân nhắc tính toán trên số
lượng, mà có lúc lời của Ngài đi ngược lại sự khôn ngoan bình thường của con
người.
“Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn
bè, anh em hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như
thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo
khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì để đáp lễ, và như thế, ông mới
thật có phúc... (Lc 14,12-14).
Trong dụ ngôn về đồng bạc bị mất (x. Lc 15,8-10), người phụ
nữ có 10 đồng, nhưng trong đêm lỡ đánh mất 1 đồng: “Bà thắp đèn, quét nhà, moi
móc tìm cho bằng được”. - Khi tìm được, thì bất chấp giờ giấc nghĩ ngơi ban đêm
của hàng xóm, bạn bè, mời họ phải đến chung vui với mình.
Chúa Giêsu ví mình như người phụ nữ tìm đồng bạc bị mất
trong đêm; không cần suy tính, luận lý là đủng đỉnh ngày mai sẽ tìm, dù sao thì
cũng còn 9 đồng khác trong tay; nôn nóng đem nguồn vui của mình cho người chung
quanh không ngại sự nghỉ ngơi trong đêm vắng. Chẳng qua vì Chúa là yêu thương,
mà yêu thương của Thiên Chúa cao hơn lý luận con của người.
“Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người
tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,10).
4. Chúa Giêsu không biết kinh tế tài chính
Chúa Giêsu đến để loan báo Nước Trời ở gần con người, gần
cuộc sống của họ. Thế mà khi giới thiệu Nước Trời với các môn đệ và với người
nghe Ngài nói, Ngài lấy dụ ngôn về Nước Trời như người chủ vườn nho thuê thợ
làm cho mình trong một ngày (x. Mt 20,1-16). Người chủ từ tảng sáng đã mướn thợ
làm; rồi đến giờ thứ 3, giờ thứ 6, giờ 11, mỗi giờ người ấy đều đi tìm mướn
thêm thợ (giờ 11 trong lối nói của người Do Thái thời của Chúa Giêsu tức là
buổi cận chiều tối rồi).
Chiều tối đó, ông chủ, là hình ảnh Chúa Giêsu, bảo người
quản lý kêu thợ lại và trả cho mỗi người 1 quan tiền như nhau. Những kẻ làm
nhiều giờ trong ngày bực tức vì thấy ông chủ nầy không biết gì về kinh tế, tài
chính cả, hơn nữa còn bất chấp lối tính toán và sự công bình thông thường:
“Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả
thuận với tôi là 1 quan tiền sao?... Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ghen
tức? Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ
phải xuống hàng chót...” (Mt 20,13-16).
5. Chúa Giêsu làm bạn với kẻ tội lỗi
Không phải trong xã hội của người Do Thái vào thời Chúa
Giêsu còn tại thế, mà ngay giữa xã hội chúng ta, người ta khó lòng chấp nhận
chuyện người “đàng hoàng” lại giao du với lớp người được đánh giá là không
“đàng hoàng”.
Thời bấy giờ người đồng hương với Chúa Giêsu cho rằng hai
giới đặc biệt không “đàng hoàng” là những quân thu thuế và người tội lỗi, đặc
biệt là các người gái điếm. Người tội lỗi bấy giờ còn được xem là những kẻ
không lành mạnh về cuộc sống thân xác, như người phung cùi, tàn tật... Những
người Pharisiêu nhiều lần thắc mắc về thái độ sống của Chúa Giêsu và nhắc nhở
với các môn đệ Chúa:
“Sao Thầy của các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân
tội lỗi như vậy?” (Mt 9,11). “Ông nầy đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với
chúng” (Lc 15,2).
Theo các sách Phúc Âm ghi lại, thì không những Chúa Giêsu
chỉ gặp gỡ, chào hỏi, hay bất đắc dĩ được mời ăn thì ngại lắm phải chiều người
ta, mà thực sự Ngài tự tìm tới nhà người thu thuế, và kẻ tội lỗi, làm thân với
họ và ăn ở với họ.
Ông Dakêu là người “đứng đầu những người thu thuế” (Lc
19,2); khi biết Chúa Giêsu đi qua thành phố Giêricô, ông ấy sợ không chen lấn
nổi với đông đảo dân chúng, nên chạy ra đàng trước, trèo lên cây sung để xem
Ngài, chẳng qua vì ông rất lùn. Chúa Giêsu đi qua, nhìn lên cây ấy thấy ông và
nói ngay:
“Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà
ông!” (Lc 19,5).
Người chung quanh xào xáo:
“Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ” (Lc 19,7).
Chúa Giêsu tự đến để gặp gỡ Dakêu và loan Tin Mừng:
“Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19,9).
Và chúng ta đều biết Chúa đã chọn 1 trong 12 vị Tông đồ của
Ngài là Mathêu, trước đó có tên là Lêvi một người làm nghề thu thuế.
Và để giải thích thái độ ngược đời của mình, chính Chúa
Giêsu đã nói rõ sứ mệnh của Ngài.
“Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.
Hãy về học cho biết ý nghĩa câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì
tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,
12-13).
6. Chúa Giêsu thích ăn uống, tiệc tùng
Phúc Âm cũng cho chúng ta thấy sự kiện mỗi lần đến nhà nào,
gặp ai, đặc biệt là những người được xã hội xếp loại không “đàng hoàng”, Chúa
Giêsu lại thường ăn uống. Ngài mở đầu sứ mạng rao giảng công khai bằng việc dự tiệc
cưới Cana miền Galilê (x. Ga 2,1), kết thúc cuộc gặp gỡ chung với các tông đồ
trước khi đi vào cuộc khổ nạn bằng bữa tiệc ở Giêrusalem gọi là tiệc ly (x. Mt
26,17 và tiếp theo).
Thế nhưng lịch sử nhiều tôn giáo và tâm thức nhiều nền văn
hoá không phải đã cho chúng ta thấy rằng nói đến thần thánh, đạo đức, tôn giáo
thì hẳn phải nói đến ăn chay cầu nguyện hay sao!
Luca thuật lại rằng, sau bữa tiệc lớn tại nhà Lêvi (tức
Thánh Mathêu sau này) những người Pharisiêu và những người thông luật nói với
Chúa Giêsu: “Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pharisiêu
cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống” (Lc 6,33). Chúa Giêsu đã dùng những
bữa ăn để cứu người tội lỗi như Mađalêna, Dakêu...
Cái mới của Chúa Giêsu làm cho người Pharisiêu và cả chúng
ta khó hiểu đó là tất cả sứ điệp của Ngài, không còn phải là ăn chay hay ăn
tiệc, nhưng tiên quyết là Yêu thương phát xuất từ tận đáy lòng mình. Như Thánh
Augustinô sau này tóm tắt trong câu: “Hãy yêu rồi làm gì thì làm” (Ama et fac
quod vis).
7. Chúa Giêsu không giữ luật Do Thái
Không những lui tới bạn bè, với kẻ tội lỗi, lại còn hay dự
tiệc với họ, Chúa Giêsu không giữ luật lệ của cộng đồng người Do Thái đương
thời. Ngài bất chấp luật phải rửa tay trước bữa ăn, đi thẳng vào bàn tiệc nên
“ông Pharisiêu lấy làm lạ vì lúc đầu Ngài không rửa tay trước bữa ăn” (Lc
11,38). Ðặc biệt trong những ngày sabát, Ngài hay chữa lành bệnh tật cho người
ta, và điều đó đối với người Do Thái đương thời cho là phạm luật. Phúc âm ghi
lại nhiều sự kiện như thế, như việc chữa lành người bại tay (x. Lc 6,8-11),
chữa người mắc bệnh phù thủng (x. Lc 14,1-6), chữa lành một phụ nữ còng lưng
(x. Lc 13, 14)... Thánh sử Luca ghi rõ: “Ông trưởng hội đường tức tối vì Ðức
Giêsu đã chữa lành bệnh vào ngày sabát (x. Lc 13,14). Ngài không giữ luật, và
các môn đệ theo Ngài cũng không giữ luật:
“Vào ngày sabát, Ðức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa;
các môn đệ đưa tay bứt lúa ăn. Nhưng có mấy người Pharisiêu nói: “Tại sao các
ông làm điều không được phép làm trong ngày sabát” (Lc 6,1-2).
Nhưng trước những lời chỉ trích này, Chúa Giêsu trả lời:
“Con người làm chủ ngày sabát” (Lc 6,9). Chúa Giêsu đến để làm trọn lề luật, để
ban luật mới là luật yêu thương, là luật có chiều kích nội tâm, để xoá bỏ những
lối giải thích lề luật rắc rối bên ngoài: “Khốn cho các ngươi giả hình, như má
tô vôi, bên ngoài trắng trẻo mà bên trong thối tha” (Mt 23,13-36).
8. Chúa Giêsu như điên cuồng
Trong Toà Tổng trấn Philatô, lúc chịu xử án, Chúa Giêsu bị
lính của Tổng trấn cho choàng áo đỏ, đội vương niệm bằng gai để chế nhạo như là
kẻ điên cuồng. Nhưng không phải chỉ người ngoài, mà ngay cả Phêrô, người vừa
được Chúa Giêsu cử sẽ làm đầu Hội thánh Ngài: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng đá,
trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không
thắng nổi...” (Mt 16,18), người được Chúa tin yêu như thế cũng không chịu nổi
những lời nói như điên dại của Chúa Giêsu: “Người phải đi Giêrusalem, phải chịu
nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết,
và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21). Ðiên dại vì gọi môn đệ theo mình, đồng
thời thông báo mình phải chịu khổ đau, bị giết chết; và xem ra điên dại hơn nữa
khi bảo rằng chết sau ba ngày sẽ sống lại! Và suốt cả các cuốn Phúc Âm trang nào
cũng làm cho chúng ta ngạc nhiên về thái độ và lời nói khác lạ của Ngài:
“Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành
cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên
này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản
nó lấy áo trong. Ai xin thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại...
(Lc 6,27-31).
Nói như thế, làm sao có thể nghe cho được, khi tâm tư ta còn
sống trong tâm trạng “măt đền mắt, răng đền răng!”
Và tôi xin kể cho các bạn kinh nghiệm của tôi về sứ điệp
“điên dại” này của Chúa Giêsu. Lúc tôi sống những năm tháng tù đày tại quê nhà,
có lúc những người canh tù tâm sự cho tôi hay, họ thắc mắc và ngạc nhiên về
thái độ vui cười, thân thiện của tôi đối với họ: trong hoàn cảnh này làm sao có
thể thanh thản và dung thứ như thế được! Tôi đã có dịp chia sẻ các kinh nghiệm
đó trong cuốn sách “Năm chiếc bánh, và hai con cá”, tôi vừa cho phổ biến trong
năm này. Nhưng ở đây tôi muốn nói, chính sự “điên dại” của tình yêu thương
Thiên Chúa đối với tôi, đối với mọi người là “khuyết điểm” làm tôi say mê hơn
cả; sự điên dại đó lôi kéo tôi bước theo Chúa Giêsu!
9. Chúa Giêsu phiêu lưu
Một chương trình cứu chuộc toàn nhân loại, một dự tính gửi
người đi rao truyền Phúc Âm cho mọi dân nước, mọi thế hệ, thế mà lại chọn và
đặt hết tín nhiệm, quyền hành cho Phêrô, một người chài lưới bộp chộp, ít học
rồi còn sợ sệt chối mình nữa!
Và về phương cách truyền bá, rao giảng nước Thiên Chúa, thì
Chúa Giêsu lại dạy các môn đệ: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy,
bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo” (Lc 9,3).
Phiêu lưu trong việc tuyển lựa các môn đệ, Chúa Giêsu còn bị
ngay các môn đệ Ngài nghi ngờ là quá phiêu lưu. Khi Chúa Giêsu loan báo chương
trình Ngài sẽ bị bắt nạp, bị giết chết và sẽ sống lại trong ngày thứ ba, thì
“Các môn đệ buồn phiền lắm” (Mt 17,23). Khi Chúa nói với họ: “Nếu các ông không
ăn thịt và uống máu Con người, các ông không có sự sống nơi mình” (Ga 6,53),
thì “nhiều môn đệ của Ngài liền nói: “Lời này chướng ta quá! Ai mà nghe nổi”
(Ga 6,60). Và, vì thấy lời giảng dạy của Chúa Giêsu khó nghe và phiêu lưu quá,
nhiều môn đệ rút lui. Nên Chúa quay hỏi nhóm 12 Tông đồ: “Cả anh em nữa, anh em
cũng bỏ đi sao?” (Ga 6,67).
Có lần khác, có người lại muốn đi theo Ngài làm môn đệ, nên
hỏi: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”. Người trả lời: “Con chồn
có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58).
Và cuộc phiêu lưu tột đỉnh của Yêu thương nơi Chúa Giêsu
được diễn tả cô động nơi bài ca trong thư của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn
Philipphê:
“Ðức Giêsu Kitô
Vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân phận nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).
10. Chúa Giêsu có những lời giảng dạy xem ra mâu thuẫn
Mâu thuẫn vì Lời từ Thiên Chúa khác với lời chúng ta.
Làm sao chúng ta thấy hợp lý được khi tuyên dương phúc cho
kẻ nghèo, kẻ phải đói, kẻ phải khóc, kẻ bị người ta oán ghét (x. Lc 6,20-22).
“Ai muốn cứu mạng sống mình, thì phải mất; còn ai liều mất
mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9,24).
Làm sao có thể ví Nước Thiên Chúa, Nước của Ðấng toàn năng,
vô tận với một hạt cải (x. Lc 13,18-19).
Mà làm sao có thể tuyên xưng là “Con Thiên Chúa, Ðấng hằng
sống” lại phải chấp nhận sự chết và chết nhục nhằn trên Thập giá (x. Lc 23,70).
Ngày 12-10-1998, có một cuộc tĩnh tâm linh mục
quốc tế, tại thành phố Monterrey, nước Mexico: 91 giám mục, 1.500 linh mục tham
dự. Lúc tôi vừa nói: Tôi yêu các khuyết điểm của Chúa Giêsu, các ngài nhìn nhau
với vẽ ngạc nhiên, bỡ ngỡ! Nhưng nói đến đâu các ngài lại cười đến đó, cuối bài
các ngài xúm lại quanh tôi và bảo: “Chúng tôi cũng yêu các khuyết điểm của Chúa
Giêsu”.
***
Các bạn thân mến,
Bây giờ, sau khi chúng ta cùng nhau lược qua 10 khuyết điểm
của Chúa Giêsu, 10 khuyết điểm ghi lại nơi các bản Phúc Âm, tôi lại một lần nữa
xác quyết với các bạn rằng: vì tôi yêu 10 khuyết điểm này của Chúa Giêsu, nên
chọn Chúa Giêsu làm Thầy, làm Mẫu-mực tuyệt đối cho đời tôi. Tôi cũng tâm sự
với các bạn rằng, cho đến giây phút này, tôi không hề có một chút gì ân hận,
Chúa Giêsu đã cuốn hút cuộc đời của tôi. Vì Chúa là Tình Yêu đã dẫn lối cho tôi
đi, đặc biệt trong những ngày tháng tôi cảm thấy xao xuyến, bứt rứt; chúng đã
đem lại nguồn vui và hy vọng cho tôi, nhất là trong những giây phút khổ đau,
tưởng chừng như không thể chịu đựng nổi. Các bạn biết lý do tại sao không? Vì 10
khuyết điểm đó phát xuất từ Tình yêu thương mà Thiên Chúa là cha chúng ta ban
cho để chúng ta được sống nhờ Chúa Giêsu:
“Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy
sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13).
Tình yêu đó không nhớ lỗi lầm, không tính toán, không xét
nét, không vị kỷ, không phê phán, không câu chấp, không gò bó, không biên giới,
không điều kiện; Tình yêu đó yêu điên cuồng đến độ phiêu lưu và hy sinh cả mạng
sống mình; tình yêu đó khác với mẫu mực nhỏ hẹp của xã hội và của lối cân nhắc
giới hạn của chúng ta. Chúa là Ðấng trọn lành, làm sao có khuyết điểm được,
nhưng Chúa lại là tình yêu vô hạn, mầu nhiệm. Trí khôn loài người không hiểu
nổi, không tin nổi, nên gọi là khuyết điểm! Khuyết điểm ấy lên đến cùng độ trên
thánh giá. Cả 10 khuyết điểm cô đọng vào đó, khi người lính thách đố Chúa:
"Nếu ông thật là con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi Thánh giá để chúng tôi
tin" "Chúa Giêsu thinh lặng, lại còn cầu nguyện: “Xin Cha tha cho
họ...”. Lạy Chúa, lúc ấy Chúa không chết thì làm sao chúng con được sống đời
đời.
Tôi khích lệ các bạn chọn lựa cuộc sống làm chứng 10 khuyết
điểm tuyệt vời đó của Chúa Giêsu.
Và để chấm dứt buổi chia sẻ này tôi xin kể cho các bạn một
sự kiện trong cuộc đời của một danh nhân thế giới đã từng chọn Chúa Giêsu, chọn
giáo huấn của Ngài, một giáo huấn mà ông ấy cho là kỳ lạ, mâu thuẫn “Kitô giáo
kỳ lạ” (Le Christianisme est étrange, Pascal, Pensées, no 537). Danh nhân ấy là
ông Blaise Pascal (1623-1662). Khi ông Pascal vừa qua đời vào tuổi 39, người
giúp việc trong gia đình xin người chị của ông cho phép mở gấu áo ông mặc lần
cuối để xem ông thu giấu cái gì trong ấy. Vì mỗi lần thay áo cho ông, chị giúp
việc thấy ông luôn mở gấu áo cũ lấy một cái gì trong ấy rồi lại tự may vào gấu
áo mới. Người chị của Pascal cũng như người giúp việc cắt gấu áo và thấy có một
miếng giấy nhỏ, trên ấy ghi vỏn vẹn câu sau đây:
“Sự sống đời đời là hiểu biết và yêu mến Ðức Kitô và Ðấng đã
sai Người... lửa, lửa, lửa; nước mắt, nước mắt, nước mắt của tình yêu”. Ðó là
bí quyết của B. Pascal một văn hào, một triết gia, một nhà toán học.
ĐHY.
P.X. Nguyễn Văn Thuận
Nhận xét
Đăng nhận xét