Tôn phong chân phước cho vị Hồng y người Việt Nam

Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận có bước tiến quan trọng trên đường gia nhập hàng ngũ các thánh vào thứ Sáu khi quá trình mở án tôn phong chân phước chính thức kết thúc.
HYThuan.jpg  
 
Thánh lễ bế mạc quá trình mở án sẽ được cử hành tại Dinh Lateran ở Rôma trong sự kiện kỷ niệm dài 3 ngày, trong đó có cuộc hội kiến Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho các chức sắc Giáo Hội chuẩn bị hồ sơ tôn phong chân phước cho Đức cố Hồng y.

Khoảng 500 người Việt, gồm bạn bè, bà con và đồng nghiệp trước đây của Đức cố Hồng y, đang ở Rôma sẽ tham dự sự kiện này, theo Đức Hồng y Peter Kodwo Appiah Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình.
  

Đức cố Hồng y Thuận bị bỏ tù 13 năm, trong đó có 9 năm bị biệt giam tại Hà Nội, sau khi ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Phó của Sài Gòn, chỉ 7 ngày trước khi chính quyền miền Nam rơi vào tay Cộng sản miền Bắc vào năm 1975.

“Chúng tôi đã có một số báo cáo về phép lạ được cho là do ngài làm. Giờ đây, chúng tôi sẽ được tự do làm việc với các bác sĩ và chuyên gia hơn để kiểm tra xem có đúng là các việc này thật sự không thể giải thích được”, Waldery Hilgerman, thỉnh nguyện viên trong án phong thánh, phát biểu trong cuộc họp báo tại Rôma hôm thứ Ba.

Hai năm mở án phong chân phước đã thu thập được hơn 10.000 trang tài liệu và các bài viết của Đức cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận chưa được phát hành trước đây.

Các viên chức Vatican cũng đã tìm hiểu hơn một chục nhân chứng biết rõ Đức cố Hồng y để chứng minh ngài đã thực hành các đức tính của người Kitô hữu “cách phi thường”.

Kế hoạch sang Việt Nam tìm thêm nhân chứng đã bị chính quyền Hà Nội huỷ vào phút cuối hồi tháng 3-2012. Vì thế, các viên chức đã thu thập 26 bản văn tường thuật từ những người đang sống tại Việt Nam.

Sự kiện này diễn ra trước khi Bộ Tuyên Thánh xem xét hồ sơ và cuối cùng được các hồng y và giám mục bỏ phiếu quyết định, sau đó sẽ được trình lên Đức Thánh Cha.

Một khi “các đức tính phi thường” được công nhận, lễ tôn phong chân phước có thể diễn ra nếu chứng minh được một “phép lạ” chẳng hạn như có người được chữa lành mà không thể giải thích được bằng khoa học, đã xảy ra nhờ sự chuyển cầu của Đức cố Hồng y.

Trong quá trình này, mộ của Đức cố Hồng y được chuyển đến Nhà thờ Santa Maria della Scala để khách hành hương dễ đến viếng hơn, Hilgerman thông báo.

Án phong chân phước cho Đức cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận do Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình xúc tiến. Đức cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận làm Chủ tịch Hội đồng này từ năm 1998 cho đến khi ngài qua đời vào năm 2002.

Đức Tổng Giám mục Thư ký Hội đồng Mario Toso lưu ý rằng các bài viết của Đức cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận về dân chủ, quyền công dân và vai trò của Giáo Hội trong thế giới hiện đại rất giống với những gì Đức Hồng y Jorge Mario Bergoglio viết trước khi được bầu làm giáo hoàng.

Cả hai đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận thức chung về sự hiệp nhất dân tộc và quyền công dân là giải pháp tốt nhất cho cuộc khủng hoảng về lãnh đạo và dân chủ trong thế giới hiện đại do từng trải qua chế độ độc tài ở quê nhà lần lượt là Việt Nam và Argentina.


(Alessandro Speciale, UCANews 04-07-2013 )

Nhận xét