(Tiếp theo và hết)
Và tiếp theo là lời ghi lại trong Vietcatholic để rõ thêm sự việc:
“Từ ngày 08.05.1975, nhóm 14 Linh mục do Trương bá Cần và Huỳnh công Minh đứng đầu đã gởi một kiến nghị đến Đức Tổng Giám mục Nguyễn văn Bình bày tỏ mối quan tâm lo ngại về việc thuyên chuyển Cha về Sài-gòn trong tình thế hiện nay sẽ không thuận lợi cho Giáo hội tại Việt-Nam. Trong phiên họp ngày 27.06.1975, tại Dinh Độc lập, kéo dài từ 15 đến 19 giờ, Cha đã đối diện với ba Cán bộ cao cấp của Ủy Ban Quân Quản cùng các Linh mục và giáo dân tự nhận là ‘Công giáo yêu nước’. Đối với Chính quyền Cộng sản, sự thuyên chuyển độ một tuần trước khi họ tiếp thu Sàigòn vào ngày 30.04.1975, là bằng cớ âm mưu giữa Vatican và các Đế Quốc. Để trả lời sự cáo buộc đó, Cha chỉ xác nhận sự vâng lời của Cha đối với Bài Sai của Đức Thánh Cha. Cha cũng bác bỏ lời cáo gian có âm mưu nói trên. Chiều 15.08.1975, Ủy Ban Quân Quản mở cuộc họp tại Nhà hát Thành phố để cáo buộc ‘sau lưng’ Cha. Khoảng 350 giáo sĩ, tu sĩ được mời buộc nghe. Ủy Ban muốn ngừa tránh mọi phản ứng của người dân đối với vụ bắt Cha. Trước đó, Đức Tổng Giám mục Nguyễn văn Bình và Cha được đưa đến Dinh Độc Lập lúc 14 giờ. Tại đó, Đức cha Bình bị đưa vào một căn phòng khác với Cha. Sau đó, Cha bị bắt và đem đi trên một xe hơi có hai công an đi kèm và cuộc phiêu lưu của Cha bắt đầu… Trong cuộc hành trình, Cha biết mình đang mất tất cả. Cha ra đi với chiếc áo chùng thâm trong túi có một cỗ tràng hạt. Cha chỉ còn biết phó thác cho Chúa Quan Phòng. Nhưng giữa bao lo âu ấy, Cha vẫn thấy có một niềm vui lớn: ‘Hôm nay là lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời…’ và Chúa yêu cầu Cha hãy trở về với điều cốt yếu. Trên đường dài 450 cây số, không có một ai. Cha thực sự bị bỏ rơi. Cha đã bị giam giữ nhiều nơi khác nhau, trong đó, có 9 năm bị biệt giam, cho đến ngày 23.11.1988, Cha được trả tự do nhưng vẫn bị quản chế tại Hà Nội.”
Nội dung chúc thư xin lỗi và xin tha thứ của Thanh Lãng
Điều gì nói ra trước khi chết đều có giá trị sự thật và trối trăn. Linh mục Thanh Lãng trước khi qua đời có nói với Nguyễn văn Trung là đã gửi thư cho Giám Mục Nguyễn Văn Thuận. Nhưng do cẩn trọng, ông cũng đã đưa cho Nguyễn Văn Trung giữ một bản. Phần lá thư gửi cho TGM Nguyễn Văn Thuận có lẽ ngài đã dấu kín và không bao giờ tiết lộ ra cho bất cứ ai vì khiêm tốn, vì khoan dung … Hiện nay, không hiểu những tài liệu lưu trữ của ông có còn giữ lại lá thư này hay không?
Riêng bản di chúc trao cho Nguyễn Văn Trung thì có nội dung như sau:
“Tôi xin công khai sám hối với Chúa và Hội thánh Toàn cầu và Việt Nam. Lạy Chúa xin tha thứ cho con mọi lầm lẫn và ban cho con lòng tin, lòng trông cậy và ơn tha thứ.Tôi xin công khai sám hối xin lỗi Đức cha Nguyễn Văn Thuận, xin Chúa giữ gìn và trả công cho Đức cha.Tôi xin công khai sám hối xin lỗi tất cả và tình anh em linh mục mà tôi vô tình hay cố ý, làm mất lòng.Tôi xin công khai và xin lỗi toàn thể dân Chúa mà tôi hối tiếc là chưa được phục vụ trong Mục vụ.
Tôi xin mọi người tha tội cho tôi để Hội Thánh và Chúa tha tội cho tôi”.Ngày 28-11-1988, Đinh Xuân Nguyên, Thanh Lãng .(Trích tài liệu 13 trang của Thanh lãng, Nguyễn Văn Trung. Linh mục Thanh Lãng qua đời ngày 17-12-1988)
Nhận Định Tổng kết
Thật khó để đưa ra những nhận định theo nhãn quan bây giờ. Tình thế lúc bấy giờ còn nhiều nghi ngờ và nghi ngại vì tình hình chính trị chưa ổn định. Cố TGM Thuận rơi vào tình huống cực đoan và nhận lãnh hậu quả của sự cực đoan ấy. Người ta không thể nại cớ ra cái đúng, cái sai trong một hoàn cảnh một chính quyền cộng sản vừa mới chiếm được miền Nam trong tay.
Họ còn say máu chiến thắng lắm.
Giới người công giáo là một lực lượng đáng nể, nhất là trong thành phần những người di cư từ Bắc vào Nam. Không bắt TGM Thuận thì họ cũng có thể bắt người khác- và thực tế không bắt trước cũng bắt sau và đã bắt và giam cầm nhiều người-, mặc dầu việc trục xuất và giam cầm này nay xét là hoàn toàn vô căn cớ.
Những việc làm của đám linh mục, trí thức cấp tiến cho thấy tính cách xung động quá mẫn cảm của họ trước một tình thế chưa đến lúc phải “ra tay sớm” như thế! Nay nhìn lại, họ cùng lắm chỉ là những chuyên viên thẩm mỹ muốn làm đẹp mặt chế độ trong lúc ban đầu.
Họ chưa được nhìn nhận nên muốn chứng tỏ một điều gì đó và đây là “món quà ra mắt” của họ.
Việc trục xuất Khâm sứ và bắt tù TGM Thuận chỉ cho thấy tạo một tình trạng bất ổn đáng nhẽ không nên xảy ra. Nó chỉ là phiên bản một cuốn film tồi từng đã xảy ra sau 1954 tại Hà Nội.
Người ta còn nhớ tất cả các thừa sai Pháp tại Hà Nội đều bị trục xuất, cộng chung là hơn 20 vị trước con mắt bất lực của tòa đại sứ Pháp.
Khâm sứ Dooley, người Ái Nhĩ Lan (Irish) vì lý do chữa bệnh đã phải rời VN sang Kampuchia. Người kế vị là O’Driscoll, cũng người Ái Nhĩ Lan mới ngồi được ba tuần thì bị dẫn độ sang biên giới Trung Cộng với tội danh có “hoạt động khuynh đảo”(22).
Tại miền Nam cũng vậy. Chuyến bay thứ tư kể từ sau 30/4/1975 thì những tu sĩ sau đây phải rời VN trong vòng 48 tiếng đồng hồ ngày 12/8/1975. Họ gồm 11 người mà người đứng đầu bảng là Giám Mục Paul Seitz, địa phận Kon Tum, tác giả cuốn sách Le temps des chiens muets.(23) Chuyến bay thứ ba có ông đại sứ Pháp Merillon cũng phải ra đi.
Những sự việc có xảy ra như thế thì mới đúng là Cộng sản. Cộng sản là như thế. Cộng sản là một thể chế luôn luôn có vấn đề với những xung khắc thường trực và trở thành những vấn đề muôn thuở, trong đó có vấn đề tôn giáo.
Cho đến nay những bất ổn chính trị và tôn giáo cũng đã kéo dài trên mấy chục năm mà tình trạng vẫn không thấy có những dấu hiệu khả quan! Nguy cơ sụp đổ xã hội và đất nước đang trên bờ vực thẳm theo như lời báo động của những người có lòng như tiến sĩ Lê Đăng Doanh trong bài viết mới đây của ông.
Nhận định về những xung đột trên, ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, một nhà ngoại giao có tầm nhìn xa và cao cho rằng nếu ông ở vị thế thuận lợi thì sẽ mời đại sứ Mỹ ở lại, mời những giới chức ngoại giao ở lại, thì khỏi mất 20 năm cầu cạnh họ quay trở lại.
Phần TGM Nguyễn Văn Thuận từ 1975 đến giờ luôn luôn tuyên bố: Mọi công việc của tôi là tùy Tòa thánh quyết định.Tất cả đường hướng phục vụ và lý tưởng của ông tóm gọn trong bản trả lời cuộc phỏng vấn TGM Thuận ngày 28-7-89.
“Vị Tổng giám mục Phó của Sài Gòn tuyệt đối không có ý định nói về 13 năm tù tội của mình. Đối với sự tò mò, ngài không cho biết gì về những cuộc thẩm cung và về cách sống của mình trong trại cải tạo dành riêng cho một Giám mục.“Tôi không muốn nói tới những năm đó. Trong thời gian đó, tôi đã cầu nguyện rất nhiều cho dân tộc tôi và cho toàn thể giáo hội. Thời gian đó đối với tôi là một cuộc tĩnh tâm thiêng liêng kéo dài …
[...]
Tôi tin tưởng ở Chúa quan phòng, nếu sau 13 năm khổ đau mà tôi còn sống và đang ở Rô Ma đây nói chuyện với ông thì có nghĩa rằng nhiều điều đã được thực hiện”(24).
Tôi cũng có liên lạc với cựu Trung Tá Nguyễn Văn Minh, bí thư văn phòng ông Ngô Đình Cẩn để hỏi thêm những chi tiết liên quan đến TGM Nguyễn Văn Thuận. Ông Minh cho hay trong những dịp lễ tết cuối năm sum họp đại gia đình thường cũng có mặt TGM Nguyễn Văn Thuận với tư cách người cháu trong gia đình. Nhưng ông thường không tham dự bàn bạc những vấn đề chính trị với các bác, các cậu.
Sau này, ông vẫn giữ một khoảng cách như thế. Khi được hỏi về cái chết của ông Ngô Đình Cẩn: Ông trả lời: “Con người, rồi tất cả sẽ qua đi, Chỉ có Đất nước và Dân tộc mới trường cửu”. Trong cuốn The Miracle of Hope, trang 123-124 có kể lại viêc Lm Thuận đi Rôma, Ông Diệm và Giám mục Thục muốn giúp đỡ người cháu. Nhưng Cha Thuân đã từ chối, “không muốn làm phiền tới các cậu về các việc nhỏ mọn này. Thiên Chúa biết các cậu có nhiều việc khác phải lo lắng hơn.” (Trích lại trong sưu tập của nhóm Cơ sở Hy vọng, 2004 do L.M Phan Xi cô B. Trần Văn Khả sưu tập, trang 36).
Sự tham gia tích cực nhất và cụ thể nhất vào hậu trường chính trị VN là khi được tin hai anh em ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị thảm sát, Lm Thuận lúc đó đang làm giám đốc chủng viện đã nhờ một linh mục người ngoại quốc từ Huế vào Sài Gòn, tìm cách liên lạc với gia đình cố đại tá Lê Quang Tung và đưa hai người con trai đại tá Tung một cách kín đáo ra Huế ăn học, tránh mọi tai mắt dòm ngó cho đến lúc hai anh ấy học thành tài.(25)
Hỏi rằng ông có tiếc thương ông Diệm hay không? Hẳn là có chứ sao không! Gián tiếp thì ông thương mẹ của ông đã phải lao đao vất vả lo chôn chất các cậu, các bác của ông. Qua đó, tình mẹ con lúc nào cũng đầy vơi.
Nếu như không có cái ngày 30/4. Nếu như TGM Thuận không phải là hậu duệ con cháu của một dòng họ nổi tiếng. Nếu như ông vào Sài Gòn sớm, và bao nhiêu cái nếu nữa thì chúng ta hẳn sẽ vẫn có được một con người tu hành đạo đức, một giám mục gương mẫu.
Nhưng nhờ không có những cái nếu đó mà ngày nay chúng ta có một vị thánh theo nghĩa khiêm cung nhất.
Nguyễn Văn Lục
© DCVOnline
(22) Xem T.O Driscoll, eight years in Viet Nam trong Catholiques et Bouddhistes au VN, Piero Gheddo, trang 123.
(23) Mgr Paul Seitz, le temps des chiens muets, trang 201.
(24) Bài báo có nhan đề: Đúng là có cuộc đổi mới với giáo hội VN. Bài của ký giả Alberto Bobbio, bản dịch từ tiếng Ý của Nguyễn Văn Nội trong báo Jesus di Culturea Attualita Cristina, 1989, trang 78-83. được phổ biến chuyên tay ở VN.
(25) Theo lời kể của anh Lê Quang Phúc, con trai cố đại tá Lê Quang Tung.
(23) Mgr Paul Seitz, le temps des chiens muets, trang 201.
(24) Bài báo có nhan đề: Đúng là có cuộc đổi mới với giáo hội VN. Bài của ký giả Alberto Bobbio, bản dịch từ tiếng Ý của Nguyễn Văn Nội trong báo Jesus di Culturea Attualita Cristina, 1989, trang 78-83. được phổ biến chuyên tay ở VN.
(25) Theo lời kể của anh Lê Quang Phúc, con trai cố đại tá Lê Quang Tung.
Nhận xét
Đăng nhận xét