Linh mục Alexandre de Rhode ( Cha Đắc Lộ), người đặt nền móng cho chữ Quốc Ngữ và xây dựng Đạp Công Giáo tại VN
Vào khoảng năm 1941, tôi vẫn còn nhớ đã theo các học sinh nhà trường đi dự lễ dựng “Bia Kỷ Niệm” Cố Alexandre de Rhode, quen gọi là “Cố Đắc Lộ”, tại vườn hoa hồ Hoàn Kiếm, bên cổng chùa Ngọc Sơn và cạnh đền Bà Kiệu, có rất nhiều quan khách và viên chức đạo đời tham dự (ngày nay bia được di chuyển vào trước Thư Viện Quốc Gia, tại Hànội). Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng kẻ hèn này vẫn lấy làm lạ lùng, và thắc mắc: tại sao một “Ông Cố Tây” lại có thể dạy người mình cách đọc và viết chữ “Quốc Ngữ” như câu ca dao thời bấy giờ thường tuyên truyền: “Quốc Ngữ chữ nước ta”. Quả thật là một thứ chữ dễ học, dễ đọc, dễ đánh vần, chỉ cần học vài ba năm là có thể đọc truyện “Tam Quốc Chí” cho ông ngoại nghe. Trái lại, sau năm sáu năm, ê a “Tam Thiên Tự”, “Tam Tự Kinh”, “Minh Tâm Bửu Giám”, thuộc lòng 214 chữ Bộ cũng không đọc thông thạo được sách báo Tàu! Thế mới hay chữ Quốc Ngữ tiện lợi và đáng yêu mến biết bao! Sau này lên bậc Trung Học, cũng thấy những bài giảng văn về Cố Đắc Lộ và cách thành lập chữ Quốc Ngữ trong sách “Việt Nam Văn Học Sử Yếu”. Thỉnh thoảng trong các báo chí tập san bằng Pháp văn cũng có những bài viết về công trình của Cố Đắc Lộ do các học giả danh tiếng như Cố Cả (Léopold Cadière) khảo cứu. Vào những năm 1950 trở đi, một số tu sĩ du học tại các Đại Học Pháp, Rôma,..., vì lòng ái quốc nhớ nguồn, vì có phương tiện nghiên cứu trong các thư viện, đã viết được nhiều luận án về công trình và sự nghiệp của Cố Đắc Lộ. Đây cũng là điều đáng mừng, đáng khen ngợi. Nhưng các công trình nghiên cứu, các luận án đó đều viết bằng ngoại ngữ và phần lớn chưa được xuất bản, nên rất ít người biết đến công nghiệp của một vị Đại Ân Nhân của dân tộc và của Giáo hội Việt Nam. Gần đây, vào năm 1985, kẻ hèn này được đọc cuốn “Thiên Chủ Thực Nghĩa” (dịch ra Anh văn: The True Meaning of the Lord of Heaven) của cha Matteo Ricci, một học giả, và một nhà truyền giáo ở bên Trung Quốc, gần đồng thời với cha Đắc Lộ ở bên Việt Nam. Độc giả đã nhận thấy phương pháp hội nhập văn hóa của hai vị này có nhiều điểm tương đồng (3).
Gần đây có thấy xuất bản hoặc phiên dịch những tác phẩm của cha Đắc Lộ. Một số sách đã dầy công sưu tầm các tài liệu một cách khách quan, để thẩm định những giá trị về tôn giáo, về văn học mà cha Đắc Lộ đã cống hiến cho dân tộc Việt Nam (4). Nhưng cũng có một số ít những tác giả, vì ác cảm, hoặc vì thành kiến chính trị đã bẻ cong sự thật lịch sử, hay phê bình xuyên tạc, vu khống vô bằng cứ về Cha Đắc lộ, chẳng hạn như: “ngài hô hào “mộ lính” Pháp sang xâm chiếm Việt nam”. Sự thật lịch sử cho biết: Cha Đắc Lộ sang truyền giáo tại Việt Nam vào thời kỳ Nam-Bắc phân tranh, vả lại, ngài sinh ra thuộc tỉnh Avignon, vào thời đó thuộc công dân của Giáo Hoàng Roma. Do đó, ngài không phải là “dân Tây” (Pháp). Thực ra, cha Đắc Lộ chỉ tìm một lợi ích thiêng liêng là rao giảng Tin Mừng cho dân tộc Việt nam. Do đó, các vị thừa sai được gọi là “chiến sĩ của Chúa Kitô” (miles Christi, coi Thư Thánh Phaolô gửi Timôtê II, 2:3) xông pha trên mặt trận truyền giáo, chứ không phải đi chinh phục đất đai, hay tìm lợi lộc về kinh tế, buôn bán.
Sau đây, trong chương này sẽ xin trình bày ba điểm:
A. Cha Đắc Lộ đã Hội Nhập và Đồng Hóa với Văn Hóa Việt Nam như thế nào?
B. Những điều cha Đắc lộ chưa thực hiện.
C. Những thách đố đối với chúng ta ngày nay.
A. Cha Đắc Lộ Và Phương Pháp Hội Nhập Và Đồng Hóa Với Dân Tộc Và Văn Hóa Việt Nam
Đọc các trang Bút Ký về các cuộc Hành Trình Truyền Giáo của cha Đắc Lộ, chúng ta thấy rõ ý hướng duy nhất của ngài là hy sinh đời sống cá nhân, gia đình để hiến toàn thân lo việc truyền giáo. Dự định ban đầu là đi giảng đạo bên Nhật, nhưng Chúa đã an bài cách kỳ diệu để ngài đến nhập tịch vào Việt nam. Vì cảm nghiệm được Thánh Ý Chúa nhiệm mầu đã xếp đặt một cách khác ngoài dự tính, nên ngài đã yêu mến phần đất mới Trời ban cho và nhận làm quê hương thứ hai. Trong thời kỳ đất nước loạn lạc, Nam-Bắc Phân Tranh, bao nhiêu lần cha Đắc Lộ đã “vào sinh ra tử”, len lỏi, lặn lội, gian lao, khi trong nam, lúc ngoài bắc, miễn sao có cơ hội chia sẻ Tin Mừng Cứu Độ với đồng bào Việt nam. Dầu bị nhà cầm quyền truy nã, bắt giam, kết án tử hình, và cuối cùng trục xuất ra khỏi nước, ngài vẫn một dạ trung tín phục vụ cho lý tưởng truyền giáo cho dân tộc Việt nam. Tại Giáo Đô Lamã, ngài yêu cầu Tòa Thánh chấp nhận việc thiết lập Hàng Giáo Phẩm tại địa phương, đặt một vị Giám mục cai quản các giáo phận, đào tạo các linh mục, giáo sĩ bản xứ đặc biệt là người thứ nhất tạo ra cách in, làm ấn bản (typography) và xuất bản sách viết bằng mẫu tự mới để giới thiệu quốc ngữ Việt nam cho thế giới.
Khi mới tiếp xúc với miền Á đông, đối với cha Đắc Lộ, mọi sự đều khác lạ. Một số người tây phương đã tỏ thái độ miệt thị khinh bỉ dân bản xứ. Trái lại, với tâm hồn quảng đại, cha Đắc Lộ đã quan sát kỹ lưỡng, tìm hiểu ý nghĩa cao thượng của các tập quán, ngài đã cảm phục và nhìn nhận những tinh hoa, những cái tốt đẹp trong thuần phong mỹ tục của Việt nam. Cha rất am tường tinh thần đạo đức và tín ngưỡng đặc biệt của dân tộc Việt nam. Cha chỉ đề cao niềm Tin cổ truyền ở một Vị Thần Siêu Việt hơn hết mọi người, mọi vật mà dân chúng thường kêu xin là: Ông Trời. Cha cũng đã khen ngợi lòng Hiếu Thảo của người Việt Nam hơn mọi dân nước trên thế giới. Có thể cha chưa có thời giờ đủ để tìm hiểu triết thuyết của Tam Giáo, hoặc là vì ngài cho đó là những giáo phái ngoại quốc du nhập từ Ấn độ, Trung quốc vào Việt nam chứ không phải tôn giáo thuần tuý của dân gian. Dầu khen ngợi lòng sùng đạo của dân Việt, Cha Đắc Lộ đã chỉ trích những tập tục mang mầu sắc dị đoan mê tín như đốt vàng mã, hoặc làm tổn thương đến nhân phẩm, vi phạm quyền bình đẳng của người đàn bà, và di hại cho sự hợp nhất của gia đình như tục đa thê.
Ngày nay, nếu người ta thấy các cộng đồng tín hữu Việt nam trong nước và ở ngoại quốc còn sốt sáng “giữ đạo”, xưng tội, rước lễ, dự lễ ngày Chúa nhật với tỷ số rất cao sánh với các cộng đồng khác, sinh hoạt các đoàn thể công giáo tiến hành rất sầm uất... Đấy cũng là truyền thống đã có từ thời cha Đắc Lộ, lấy việc “Hành Đạo”, thực hành làm điều quan hệ hơn là lý thuyết xuông. Hơn nữa, tín lý, tín điều đi đôi, liên kết với các lễ nghi, cầu nguyện và nghệ thuật trang trí, ca nhạc, rước kiệu... khiến việc thực hành đạo được vui tươi, phấn chấn, nhẹ nhàng, không quá “duy lý”, khô khan.
Như ta đã biết, cuốn sách giáo lý của cha Đắc Lộ không phải là một cuốn sách Thần Học hệ thống, bàn về mọi vấn đề về đức tin, luân lý, hay bí tích, nhưng có thể nói cha đã đặt ra phương pháp, nguyên tắc, kế hoạch, đường hướng khá tiến bộ sánh với thời đại cách đây 300 năm, để tìm cách “Hội Nhập” Thiên Chúa Giáo vào Văn hóa Việt Nam. Chính ngài đã mở đường cho chúng ta xây dựng một nền Thần Hoc Việt Nam trong tương lai. Ta thử toát yếu xem trong quan niệm “Thần Học của Cha Đắc Lộ” có những đặc điểm gì.
Thứ nhất, cha đã quan sát rất tường tận, tìm hiểu địa lý, lịch sử, xã hội Việt nam thời Trịnh- Nguyễn phân tranh. Vì là nhà truyền giáo, cha đặc biệt chú trọng đến nhu cầu tinh thần của đồng bào. Ngài nhận thấy những điều tốt, nhưng ngài cũng cảm thấy cần sửa đổi những điều không thích hợp với Tin Mừng. Ngài trung thành với giáo huấn của Hội Thánh sau Công Đồng Triđentinô về cách giải thích Kinh Thánh, các quan niệm thần học về Cứu độ. Cha Đắc Lộ đã cương quyết đả phá những hủ tục và dị đoan mê tín. Do đó, ngài đã cố công nghiên cứu tiếng Việt, dùng các tài liệu của các bạn đồng nghiệp về việc sáng chế ra loại chữ mới, dùng mẫu tự a, b, c, thay cho chữ nho, chữ nôm khó học, ít phổ thông. Cha Đắc Lộ không phải là người đầu tiên sáng tác ra loại chữ này, nhưng ngài có công hệ thống hóa, bổ túc và làm ấn bản để có thể in thành cuốn Tự Điển và Văn phạm tiếng Việt. Nhờ thông thạo Việt ngữ, ngài đã “chuyển ngữ” (translation) từ các danh từ, thành ngữ bằng tiếng La-Tinh sang tiếng Việt để chuyên chở một cách trung thực các tư tưởng thần học công giáo trong sách Giáo lý. Nhiều chỗ cha chỉ cần “phiên âm” các từ ngữ bằng chữ hán trong cuốn “Thiên Chúa Thực Nghĩa” của cha Matteo Ricci, ví dụ chữ thiên thần, linh hồn, Thiên Chúa... Đặc biệt cha Đắc Lộ đẫ sáng tác ra danh xưng đầy âm hưởng tiếng Nam: ĐỨC CHÚA TRỜI. Khi dùng tiếng “Trời” ở đây mà không dùng chữ phiên âm của tiếng LaTinh “Dêu” (Deus), cha đã cho từ ngữ đó một nội dung ý nghĩa hoàn toàn mới.
Thứ hai, cha Đắc lộ đã nhìn nhận những giá trị của văn hóa, vì cho rằng những điều thiện hảo trong các nền văn hóa cổ-kim, đông-tây cũng là do Trời ban cho nhân loại. Ngài đã phá những tập tục làm hạ giá nhân phẩm như tục đa thê, và mê tín dị đoan, nhưng đề cao những thuần phong mỹ tục như lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, lòng tín ngưỡng độc nhất đối với Trời trong lễ tế Nam Giao. Ngài dùng kho tàng khôn ngoan phổ biến của nhân gian, tức ca dao, ngạn ngữ để chứng minh, hỗ trợ cho các chân lý của Đạo Mặc Khải. Văn hóa và Đức Tin vay mượn lẫn nhau và làm giầu cho nhau. Mỗi bên học hỏi những điều thiện hảo của nhau. Cùng một Chân lý có giá trị phổ biến, nhưng cách thức diễn tả khác nhau tùy thời, tuỳ nơi, tùy trình độ hiểu biết của người lĩnh hội. Mỗi bên không tiêu diệt lẫn nhau, nhưng bổ túc cho nhau mà vẫn giữ được căn tính (identity) của mình. Cấp bậc cao siêu nhất của văn hóa là triết lý và tư tưởng thần học tín ngưỡng của một dân tộc. Chính ở “địa điểm” (locus) này, Đấng Tạo Hóa đã thông ban Hồng Ân cho nhân loại, “nơi” nhân loại gặp được Đấng Thượng Đế và gặp nhau: “Tứ hải giai huynh đệ” (Tôn Dật Tiên), “Thiên hạ đồng qui nhi thù đồ” (Khổng Tử). Cần so sánh “đối thoại” giữa các tôn giáo, trao đổi các quan điểm, lập trường tương đồng, tương dị, và tôn trọng sự lựa chọn niềm tin của người khác.
Thứ ba, theo các lời tự thuật trong các sách Du kí, cha Đắc Lộ đã quan sát khá tinh vi về nếp sống của dân chúng Việt nam. Biết trước sẽ gặp sức đề kháng chống đối mạnh mẽ về phía nhà cầm quyền, nhưng cha Đắc Lộ vẫn can đảm rao giảng những Chân lý của Phúc Âm với ước nguyện cải đổi được nếp sống tinh thần, xã hội Việt Nam thêm hoàn hảo. Do đó, để nâng cao nhân phẩm người phụ nữ, cha đã cương quyết rao giảng chế độ “nhất phu nhất phụ”, dầu bị vua chúa cấm cách, bỏ tù, trục xuất. Mặt khác, vì thấy dân chúng Việt nam trọng lễ nhạc, vui thích đời sống cộng đồng hội hè đình đám, rước sách, nên cha Đắc Lộ đã cổ võ thành lập hội đoàn để việc sinh hoạt tôn giáo, và thực hành sống Đạo được sầm uất, phấn khởi. Đây cũng là nét đặc thù của các cộng đồng công giáo Việt Nam hải ngoại, như ta thấy ngày nay trên khắp thế giới, khác biệt với cách sống đạo của các cộng đồng khác.
Thứ bốn, đối với cha Đắc Lộ, công cuộc Hội Nhập tiến đến giai đoạn cao nhất là đào tạo hàng giáo phẩm, giáo sĩ để thành lập các giáo đoàn địa phương. Việc truyền bá Tin Mừng chỉ thực sự thành công, hiệu lực khi hai yếu tố Văn Hóa và Đức Tin hỗ trợ lẫn nhau. Trên bình diện văn hóa, ai có thể hiểu biết tâm tình, tư tưởng, tín ngưỡng, phong tục của nước ấy bằng chính người bản xứ? Việc đối thoại giữa các tôn giáo và văn hóa phải được diễn ra trên bình diện triết lý và thần học thì mới có sự thông cảm. Do đó, việc đào tạo và huấn luyện các “chiến sĩ” truyền giáo bản xứ vừa thấm nhuần văn hóa dân tộc vừa hiểu biết sâu xa về giáo huấn của Hội Thánh là điều rất quan trọng. Ta được biết: cha Đắc Lộ đã thành lập Hội “Nhà Đức Chúa Trời” để đào tạo các “Thầy Giảng”. Trong số các ứng viên, ngài đã tuyển chọn các cựu tu sĩ Phật giáo, các nho sĩ là những người thông thạo văn hóa của dân tộc. Ngài cũng bắt buộc các thanh niên còn ít tuổi phải học Tứ Thư Ngũ Kinh thì mới được nhận làm Thày Giảng. Có thể nói, chính những “tông đồ” thông thái cả đạo lẫn đời này đã giúp cha hoàn thành bộ tự điển và sách giáo lý. Khi từ giã nước Việt thân yêu để trở lại Rôma, cha Đắc Lộ đã tường trình cho Tòa Thánh công việc cấp bách là thành lập hàng Giáo Phẩm địa phương. Nhờ Đức Tin vững chắc và một kiến thức sâu rộng về dân tộc học, giáo sĩ hay giáo dân mới có đủ khả năng xây dựng nền Thần Học Việt Nam được.
Trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam, nếu dân tộc đã gặt hái được những tinh hoa kết quả rực rỡ, như cái chết anh hùng tuẫn tiết vì Đạo của Thày Giảng “Anrê Phú Yên” mà cha Đắc Lộ đã chứng giám, và hàng trăm ngàn các vị Anh Linh khác, đặc biệt 117 vị Thánh Tử Đạo được toàn thể thế giới tôn kính, nếu đã có vị giáo dân Nguyễn Trường Tộ can đảm hiên ngang viết nên Bản Điều Trần để yêu cầu nhà vua canh tân xứ sở, nếu vị Linh mục Trần Lục (quen gọi là Cụ Sáu) đã kiến thiết nên ngôi Thánh Đường Phát Diệm, một kiến trúc hòa hợp được Đông-Tây, Đạo-Đời... Thiết tưởng đấy cũng là nhờ Công Ơn của cha Đắc Lộ đã dẫn đàng mở lối vậy.
B. Những Vấn Đề Cha Đắc Lộ Chưa Thực Hiện Được
Sau hơn 300 năm, nếu muốn tìm hiểu và phê phán về công trình sự nghiệp của cha Đắc Lộ đã thực hiện hoặc còn thiếu sót, chúng ta cần phải đặt mình vào hoàn cảnh thời bấy giờ. Nếu chỉ dùng những tiêu chuẩn ta có ngày nay để nhận định, phê phán, sợ rằng chúng ta sẽ phạm lỗi bất công và “lỗi thời” đối với người xưa
1. Sách Giáo Lý, Catechismus, đặt tên là: “Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội mà vào đạo thánh Đức Chúa Trời”, ta cần tìm hiểu chủ đích của tác giả, độc giả là ai, và vào thời điểm nào. Chủ đích của cha Đắc Lộ là nhằm giúp các Thày giảng một tập tài liệu tham khảo để giảng dạy cấp tốc trong 8 ngày những người tân tòng muốn lĩnh phép Rửa tội. Do đó, ta biết được mục tiêu, thính giả, thời gian và đề tài giảng dạy rất hạn chế, không có chiều sâu rộng, đầy đủ như một cuốn sách giáo lý thông thường. Cũng vì thế, chỉ dạy những điều cần thiết để chịu phép Rửa Tội mà thôi, chưa dạy về Bí Tích Thêm Sức, sẽ được dạy sau này. Cũng không dạy về phép Mình Thánh Chúa, có thể để dành cho vị linh mục dâng Thánh Lễ MiSa.
Sách Giáo Lý kể lại nhiều phép lạ Chúa Cứu Thế đã làm để minh chứng Ngài là Con Thiên Chúa sai xuống cứu nhân độ thế, nhưng không đủ thì giờ diễn giảng về ý nghĩa của các dụ ngôn. Chú trọng về “thần tính” hơn là “nhân tính” của Đấng Cứu Thế đã chia sẻ số phận nghèo hèn, khổ sở với nhân loại khi sinh ra nơi hang bò lừa, hoặc khi Ngài tố cáo những bất công xã hội để bênh vực người nghèo. Về cách chú giải Kinh Thánh, cha Đắc Lộ theo cách Chú Giải Kinh Thánh cách đây 300 năm, cắt nghĩa dựa vào “mặt chữ”, khác với phương pháp Bình Phẩm Kinh Thánh (Biblical Criticism) hiện đại, dựa vào khám phá của khoa sử học, khảo cổ, ngôn ngữ, thể văn (Literary Genres) hình thức sử học (Form-Criticism).
2. Về khoa thần học các tôn giáo (Theology of Religions), cũng như cha Matteo Ricci và các nhà truyền giáo thời bấy giờ có vẻ khắt khe đối với các tôn giáo ngoài-Thiên Chúa Giáo. Câu phương châm: “Ngoài Hội Thánh không có sự Cứu Độ” (Extra Ecclesiam nulla salus, Outside the Church there is no salvation) được giải nghĩa một cách hạn hẹp. Ngày nay, theo sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, công bố năm 1992, số 846-848, câu phương châm ở trên không nhằm, không áp dụng cho những ai không được biết Đấng Cứu Thế, mà không phải do lỗi của họ. Đấy chính là những người chưa được nghe giảng về Tin Mừng của Chúa Cứu Thế, nhưng họ theo tiếng của Lương Tâm, ăn ngay ở lành, tin ở “Ông Trời” thưởng người tốt, phạt kẻ dữ. Những người “lương dân” ấy, nhờ Ân Sủng Chúa giúp bằng cách nào đó mà ta không biết được, cũng có thể được lĩnh Ơn Cứu Độ. Xét về quan điểm thần học này, có thể nói: cha Đắc Lộ đã tiến khá xa hơn các bạn đồng nghiệp khi ngài đề cao giá trị của Đạo thờ “Ông Trời”, và Đạo Hiếu của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, cũng như các nhà truyền giáo bên Trung Hoa, cha Đắc Lộ đã không đủ thời giờ, không có phương tiện học hỏi về triết lý cao siêu của các Đạo giáo như Phật Giáo, Khổng Giáo và Lão Giáo. Đó cũng là những thách đố, những công việc còn dang dở, chờ đợi chúng ta bổ khuyết.
C. Những Thách Đố Đối Với Chúng Ta Ngày Nay
Từ ngày thành lập Hội Thánh Việt Nam cho đến ngày nay, đã được 466 năm, nếu tính từ năm 1533, theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục thuật lại, đã có người tên là “I Ne Khu” (có thể là Ignatius) tới các làng Ninh Cường, Quần Anh thuộc quận Nam Chân và đến làng Trà Lũ thuộc quận Giao Thủy, tỉnh Sơn Nam, để giảng Đạo của “Giatô” (phiên âm chữ nho của chữ Jesus, ngày nay đọc là Giêsu). Đặc biệt, cũng đã 372 năm, nếu tính từ ngày 19 tháng 3, năm 1627 khi cha Đắc Lộ cập bến Cửa Bạng (tức Ba Làng) và Ngài đã dâng Thánh Lễ kính Thánh Giu Se, để xin Thánh Cả bảo trợ Hội Thánh Việt Nam và các hoạt động tông đồ truyền giáo. Trước đó 3 năm, năm 1624, lần đầu tiên từ Macao, cha Đắc Lộ đã cập bến Cửa Hàn (Đà Nẵng) cùng với 6 cha dòng Tên khác. Cha Đắc Lộ đã vĩnh biệt Việt Nam để trở lại Rôma năm 1645, sau 27 năm phục vụ tại miền Đông Nam Á. Ngày nay, chúng ta thử nhận định một cách tổng quát xem, sau gần nửa thiên niên nghe giảng Tin Mừng của Chúa Cứu Thế, Hội Thánh Việt Nam đã thực hiện được những công trình, những hoạt động truyền giáo nào để nối tiếp sự nghiệp của cha Đắc Lộ? Và ngày nay, những Thách đố nào chúng ta cần đối phó để đem Tin Mừng Hội Nhập vào Văn Hóa dân tộc?
Theo lịch sử, Đạo Thiên Chúa đã được rao giảng gần năm thế kỷ trên giang sơn Việt Nam, nhưng vào thời kỳ loạn lạc, đất nước phân chia, nhà cầm quyền không có chính sách ngoại giao khôn khéo để đối phó với những biến chuyển của chính trường quốc tế. Vả lại, vì các vị truyền giáo là người tây phương và giáo thuyết của đạo mới có nhiều điều khác lạ đối với phong tục tập quán và tín ngưỡng địa phương, nên đã gây nên nhiều nghi kị, chống đối, cấm cách. Cho đến ngày nay, mối nghi kị, coi Thiên Chúa Giáo như đạo ngoại quốc, vẫn chưa đánh tan được. Có những lý do tiêu cực phát sinh do sự hiểu lầm về công cuộc truyền giáo, chẳng hạn đồng hóa các thừa sai tây phương với những người buôn bán hay đi chinh phục đất đai, hoặc vì thành kiến, bảo thủ, nên coi những giáo thuyết mới là “tà đạo”. Bởi vậy, có thể nói, gần 400 năm, việc rao giảng Tin Mừng không được tự do truyền bá. Các thừa sai ngoại quốc, hàng giáo sĩ, tu sĩ nam nữ và giáo dân luôn bị truy nã, cầm tù, và bị giết như những tội nhân. Do đó, việc xây dựng những công trình lớn lao về thần học, triết học, văn chương, nghệ thuật, kiến trúc, hội họa... để thể hiện chính sách Hội Nhập Thiên Chúa Giáo vào văn hóa Việt Nam, khó thành công được. Hội Thánh chỉ được hưởng tự do an bình để giảng đạo chừng gần trăm năm nay mà thôi. Phần lớn các sinh hoạt tôn giáo đều nhằm vào việc củng cố “nội bộ” như đào luyện các thầy giảng, các linh mục, tu sĩ, lập ban hành giáo, các hội đoàn đạo đức, dạy kinh bổn cho bổn đạo. Do đó, chưa sáng tạo được những kiệt tác về thần học triết học, văn chương, nghệ thuật, hội họa, điêu khắc, kiến trúc do chính người Việt nam, vừa thấm nhuần văn hóa dân tộc vừa cảm nghiệm được Thiên Ân để sáng tác nên những tác phẩm giá trị, hay những áng thơ tuyệt diệu .
a. Về phương diện Văn chương,và Nghệ thuật
Cha Đắc Lộ và các vị thừa sai đã hợp tác để sáng chế ra loại chữ mới hoàn toàn khác với chữ nho và chữ nôm để dùng trong việc truyền bá Tin Mừng. Vì loại chữ này rất tiện lợi, dễ học, nên đã trở thành lợi khí sắc bén để phổ biến kiến thức, nâng cao dân trí, được đồng bào nhiệt liệt hưởng ứng và tán tụng là: “Quốc ngữ, chữ nước ta”. Theo Văn Học Sử Việt Nam, sức bành trướng của chữ Quốc ngữ mạnh mẽ phi thường. Chỉ trong vòng mấy chục năm vào đầu thế kỷ 20, đã xuất bản được những tạp chí giá trị như “Đông Dương Tạp Chí”, “ Nam Phong Tạp Chí”, chuyên khảo cứu về văn chương, triết lý, khoa học, nghệ thuật Đông -Tây. Vào khoảng năm 1932, thành lập “Tự Lực Văn Đoàn”. Cũng trong thời gian đó, văn chương Việt nam đã phát tirển rực rỡ với đủ các loại văn như: tiểu thuyết, học thuật, phong tục, tả thực... Vào năm 1940, người ta đã có thể thu thập, xếp loại các trường phái và khuynh hướng của các “Nhà Văn Hiện Đại”.
Nhắc lại một giai đoạn trong Lịch Sử Văn Học Việt Nam ở trên, giúp ta dễ so sánh với tình trạng văn chương tôn giáo, và các công trình nghệ thuật trong Giáo Hội Công Giáo. Theo những tài liệu hoặc sách báo xuất bản gần đây, làm công việc “tổng kết” những hoạt động văn hóa của người Công giáo Việt Nam đã tham gia vào “Dòng Sinh Mệnh của Dân Tộc”, hoặc “Trong Truyền Thống Văn Hóa Dân Tộc”, ta có thể tạm chia làm hai thời kì: (5)
Thời kì thứ nhất, sau khi Giáo Hội được tự do giảng Đạo, các sách báo “nhà đạo” hạn định vào việc củng cố đức tin của tín hữu, việc ấn loát chú trọng vào in sách kinh, sách bổn giáo lý thuộc các địa phận, cổ động lòng sùng kính, noi gương các thánh, phổ biến các thủ bản của các hội đoàn... Trong thời kì này, việc sáng chế ra các danh từ mới để chuyển đạt những tư tưởng về Thần học, Triết học, Kinh Thánh, phụng vụ, giáo lý... chưa được phát triển mạnh mẽ, dồi dào, phong phú. Tuy nhiên, các vị thừa sai, vì nhu cầu giảng dạy trong các chủng viện để đào tạo các linh mục bản xứ, cũng đã xuất bản được một số sách danh tiếng như: Tự Điển Việt-Latinh của Giám Mục Taberd, Tự Điển Việt-Hán-Pháp của cha Hue. Công trình nghiên cứu về đạo giáo và phong hóa Việt Nam của cha L. Cadière, rất công phu, nổi tiếng. Ngoài ra, rất ít người biết đến những tài liệu giáo khoa bằng tiếng Việt, đã được soạn thảo để giảng dạy trong các chủng viện, về thần học, triết học, giáo luật... Trong thời kỳ này, ta cũng thấy một vài “ngôi sao” xuất hiện, thực sự góp phần làm vinh hiển cho nền văn hóa Việt Nam, đó là nhà bác học và văn hào Trương Vĩnh Ký. “Bản Điều Trần” của Nguyễn Trường Tộ, và “Nhà Thờ Phát Diệm” của Cụ Sáu, tức cha Trần Lục, là những viên ngọc quí giá, đã tô điểm cho lâu đài văn hóa Việt Nam.
Từ sau năm1945, nghĩa là bắt đầu thời kì độc lập, một con số rất hùng hậu những tu sĩ, chủng sinh Việt Nam được gửi ra ngoại quốc du học tại các đại học danh tiếng trên thế giới, nhờ các học bổng của Giáo Hội hoàn vũ giúp đỡ. Trong suốt thời gian 1945-1975, hàng mấy trăm tu sĩ và giáo dân “xuất dương du học”, khắp các đại học danh tiếng ở Âu-Mỹ, về đủ mọi ngành học vấn, thần học, triết học, khoa học... Một số lớn đã trình các luận án tốt nghiệp, để khi trở về nước, được bổ sung vào các trường đại học Công Giáo hay chính phủ vừa thiết lập.
Một số du học sinh đã khởi công nghiên cứu đặc biệt về khoa ngữ học Việt Nam, nổi tiếng như linh mục Lê Văn Lý. Một nhóm người trở về nguồn, tiếp nối con đường của cha Đắc Lộ, đã sưu tầm về nguồn gốc chữ Quốc Ngữ như Nguyễn Khắc Xuyên. Cũng có một số đông dụng công viết lại những trang sử về Giáo Hội sơ khai tại Việt Nam như Đỗ Quang Chính. Có vài vị khai thác những giá trị cổ truyền trong Khổng Giáo để áp dụng vào khoa thần học Thiên Chúa Giáo như Trần Văn Hiến Minh. Có thể nói, đây là một giai đoạn rất hứng khởi, đầy hứa hẹn cho tương lại dân tộc và Giáo Hội Công Giáo, về văn học và nghệ thuật, đặc biệt những bài Thánh ca đầy dân tộc tính của Hùng Lân, Hải Linh, Tiến Dũng, và các Sách Lễ Phụng Vụ bằng tiếng Việt do nhóm Hiện Tại khởi xướng từ 1950.
Tuy nhiên, vì thiếu một cơ quan chỉ đạo chung của Giáo Hội để hướng dẫn các du học sinh biết chọn các môn học tuỳ theo nhu cầu, vì thiếu các tổ chức khuyến khích việc in và xuất bản, nên nhiều luận án giá trị, hầu hết viết bằng ngoại ngữ, vần còn nằm im lìm trong các thư viện, không ai biết tới!
Về mặt truyền thông, giới công giáo chưa xuất bản được một nhật báo, tuần báo hay nguyệt san có tầm mức gây uy tín nơi toàn thể đồng bào để “đem Đạo vào Đời”, để phát biểu lập trường của Hội Thánh về các vấn đề chính trị, kinh tế, công bằng xã hội, nghệ thuật. Nhiều tác phẩm giá trị do các giáo sĩ hay tín hữu thực hiện, nhưng không được phổ biến rộng rãi trên toàn quốc, vì thiếu một cơ quan của Giáo Hội nâng đỡ, bảo trợ để có thể xuất bản và tiêu thụ trên thị trường. Cũng thiếu những tổ chức chính thức của Giáo hội, hoặc các “mạnh thường quân”, để khuyến khích, tặng giải thưởng cho các văn nghệ sĩ và các tác phẩm xuất sắc về văn chương, hội họa, điêu khắc...kết tinh được Đức Tin và Văn Hóa.
Nếu so sánh với “văn chương ngoài đời”, như đã đề cập ở trên, ta nhận thấy những công trình sáng tạo về văn hóa, nghệ thuật, vẫn còn khiêm tốn, vì thiếu quảng bá hoặc vì chưa thực sự thấm nhuần văn hóa đạo đức tinh hoa của dân tộc, nên không được đồng bào ngoài Công Giáo mến chuộng. Đây là một thách đố lớn lao nhất của người Công Giáo Việt Nam, bởi vì bao lâu “Đạo” chưa ăn rễ sâu vào dòng sinh mệnh của dân tộc để sinh hoa kết quả là các công trình văn chương, nghệ thuật, thì mối nghi ngờ Thiên Chúa Giáo là “đạo ngoại lai”, vẫn chưa có thể đánh tan được!
b. Hợp tác trên bình diện Xã Hội, Giáo Dục
Như ta thấy ở trên, về phương diện văn chương nghệ thuật, Giáo Hội cần cố gắng rất nhiều theo gương các vị Tiền Bối để hoàn thành những công trình lớn lao hầu đánh tan những mối nghi kị giữa Lương-Giáo. Hơn nữa, vẫn có thể Hợp Tác với các tôn giáo bạn trong công việc từ thiện, xã hội, giáo dục để chứng tỏ lòng vị tha Bác ái của Đạo Chúa đối với đồng bào. Có thể nói, về phương diện này, Giáo Hội đã thực hiện đuợc nhiều công tác quan trọng như săn sóc các bệnh nhân phong cùi, lập nhà thương, phòng phát thuốc, nhà dưỡng lão, viện mồ côi, trại tế bần, tổ chức cứu trợ nạn nhân các thiên tai bão lụt, các công cưộc di cư đinh cư dinh điền... để thông cảm và xoa dịu nỗi thống khổ của đồng bào. Đây cũng là một lĩnh vực sở trường của Giáo Hội, nhờ uy tín quốc tế, đặc biệt, nhờ sự hy sinh, dấn thân của các nữ tu, các “Dì Phước”. Đại đa số đồng bào rất cảm phục về những hoạt động bác ái này, để chứng minh Đạo Chúa là Đạo Tình Thương và để đánh tan một phần nào những mối nghi kị đối với công giáo.
Tuy nhiên, mối giao hảo giữa công giáo và đồng bào cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Phần lớn các công tác bác ái được thực hiện riêng rẽ, thiếu sự HỢP TÁC giữa các tôn giáo, nên đã gây ra sự cạnh tranh, ghen tị. Người ta chỉ kêu gọi “Đoàn Kết”, khi xẩy ra những khủng hoảng trầm trọng gây nên xáo trộn, phá phách. Bình thường những tổ chức như “Liên Tôn”, Hợp Tác” của các tôn giáo, có tính cách tượng trưng hơn là hoạt động tích cực trong lĩnh vực cứu tế để tạo cơ hội thông cảm, đoàn kết.
Ngày xưa, cha Đắc Lộ và các thừa sai chưa có thể công khai tố cáo những bất công, những tệ đoan xã hội, bênh đỡ người nghèo, người bị bóc lột trong xã hội Việt Nam thời phong kiến. Nhưng ngày nay, nếu muốn đem Tin Mừng hội nhập một cách sâu rộng vào đất nước này, thì Giáo Hội cần phải đồng hóa với đại đa số đồng bào nghèo khổ, vì Việt Nam được xếp vào hạng các nước nghèo trên thế giới. Về khía cạnh này, rất nhiều câu hỏi đặt ra, nhiều thắc mắc chưa được giải đáp. Chẳng hạn như: Giáo Hội của người nghèo hay người giầu? Giáo hội có thích khoa trương, đắc thắng (triumphalism) không?
Về phương diện giáo dục, Giáo Hội vẫn tự hào đã mở được nhiều trường tư thục, từ cấp mẫu giáo đến đại học. Những năm gần đây, số học sinh của các trường trung học công giáo lên khá cao, sánh với tỉ lệ học sinh toàn quốc. Đó cũng là điều đáng khen vì đã góp phần đắc lực vào việc nâng cao dân trí. Lại nữa, con số các học sinh trung học bên lương (ngoài-công giáo) thường cao hơn số các học sinh bên giáo! Điều đáng cảm phục nhất là tại những miền xa xôi hẻo lánh, đồng chua nước mặn, duới những căn phòng lụp xụp hay túp lều tranh thô sơ, thiếu bàn ghế... trong đó ta thấy bóng dáng “Dì Phước” dòng Mến Thánh Giá, một mình kiêm hai ba lớp, lủi thủi, cặm cụi dạy các em lương-giáo tập đọc, tập viết. Âu cũng là tấm gương sáng lạng về việc Hội Nhập Đạo Chúa vào văn hóa Việt Nam. Cho đến ngày nay, ban giáo dục của Giáo Hội chưa soạn thảo được một bộ Sách Giáo Lý dùng làm sách giáo khoa cho các lớp từ mẫu giáo tới lớp 12, cập nhật hóa theo phương pháp sư phạm giáo lý mới, nhất là để dạy Kinh Thánh, đồng thời dùng đạo đức của văn hóa dân tộc như: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích, v.v., để chứng minh, hỗ trợ những bài giáo lý.
c. Đối Thoại với các Tôn Giáo bạn trên bình diện triết lý, siêu hình
Như chúng ta đều biết, mỗi tôn giáo trên thế giới đều có niềm tin đặc biệt, và nhiều cách thế để biểu lộ ra bên ngoài bằng các lễ nghi, phụng vụ, kinh sách, tổ chức giáo hội, huấn luyện tu sĩ... Vả lại, cách thực hành Đạo cũng thay đổi tùy thời tùy nơi. Do đó, không thể so sánh, đối chiếu cách thực hành của Đạo này với Đạo khác được. Nhưng qua những hình thức biểu lộ phức tạp và khác biệt, các tôn giáo lớn, trên bình diện suy tư về Siêu Hình, Triết Lý, đều vươn lên Cõi Siêu Việt, Vô Hình, Chân-Thiện-Mỹ. Đây cũng là “Tâm Điểm” (locus) phát hiện ra CHÂN LÝ VĨNH CỬU, nơi nhân loại có thể gặp gỡ và nối kết lại với nhau. Trên bình diện Siêu Việt này, các tôn giáo nên tìm hiểu ý nghĩa của các giáo thuyết, của niềm tin. Điều quan trọng và cần thiết là phải cố gắng hiểu cho đúng, tránh xuyên tạc ý nghĩa, tránh mạt sát, nhưng hãy so sánh những điểm tương đồng và khác biệt và luôn luôn tôn trọng ý kiến, lập trường, sự tự do phán đoán, và quyết định về niềm tin của người khác, mặc dầu khác với tín ngưỡng của riêng mình.
Vào thời kỳ Hậu-Công Đồng Tridentinô, cách đây hơn 400 năm, khoa Thần Học của Giáo Hội đối với các Tôn Giáo ngoài-Thiên Chúa Giáo chưa được tiến triển như lập trường của Công Đồng Vaticanô II (1962-1965). Như đoạn trên đã trình bày, phương châm: “Ngoài Hội Thánh , không có sự Cứu Độ”, được giải thích theo nghĩa hẹp. Do đó, các vị thừa sai đánh giá rất thấp tín ngưỡng, thuần phong mỹ tục của các tôn giáo khác. Về điểm này, có thể nói, cha Matteo Ricci ở Trung Hoa, và cha Đắc Lộ ở Việt Nam là trường hợp ngoại lệ, vì cả hai đều muốn bảo trì những giá trị tinh tuý của các nền văn hóa. Tuy nhiên, vì thiếu thời giờ và phương tiện học hỏi, nghiên cứu tường tận, nên cả hai chưa hiểu rõ những ý nghĩa chính thực của các quan niệm siêu việt như: “Đạo” “Vô” (Lão Giáo), “Không” (Phật Giáo) và Thái Cực, Lý, Khí (Chu Hi, Vương Dương Minh). Cả hai chỉ chú trọng vào đạo Tu Thân và niềm tin vào Thượng Đế, “Thiên” của Khổng giáo. Riêng cha Đắc Lộ còn khai thác niềm tin vào “Ông Trời”, lễ tế Nam Giao và đạo Hiếu.
Đây cũng là một thách đố lớn lao nhất đối với Giáo Hội Việt nam hiện nay. Thât ra, cho đến bây giờ, chưa có cuộc Đối Thoại giữa Công Giáo và các tôn giáo được diễn ra trên bình diện thần học, triết lý để tìm hiểu niềm tin của nhau một cách thông cảm, hầu đánh tan mọi nghi kị, hiểu lầm. Nếu có đề cập đến các Đạo giáo là để biện hộ và phi bác các điều “lầm lạc”, chứ chưa tìm hiểu những giá trị tích cực của các Đạo ấy. Sau hơn 300 năm, ngày nay Giáo hội có nhiều nhân tài, phương tiện, và thời giờ để nghiên cứu các tôn giáo bạn hầu bổ khuyết cho công trình của cha Đắc Lộ còn chưa hoàn bị. Chẳng hạn chữ, “ĐẠO”, chữ “VÔ” của Lão giáo trong Đạo Đức Kinh, hay chữ “KHÔNG” trong Phật giáo Đại Thừa, không có nghĩa là “không có gì hết”, nhưng để chỉ Thực Tại Tuyệt Đối, uyên thâm vô cùng, vô thủy vô chung, vô hình vô tượng và là Nguồn Gốc của vạn vật, vạn hữu. Người bình dân Trung Hoa hay Việt Nam đều hiểu theo ý nghĩa tích cực ở trên. Đây là kiểu nói quen thuộc, thường dùng trong các Đạo Giáo Đông phương theo “phương thức phủ định” (via negativa). Bên Tây phương, Thánh Tôma, nhà thần học trứ danh, đặc biệt các nhà thần bí (Mystics), thỉnh thoảng cũng dùng cách thức nầy, gọi là “Thần học Phủ định” (Theologia negativa. Xin đọc Chương hai “Phương Pháp Suy Luận Đông-Tây).
Việc nghiên cứu để hiểu một cách chính xác các quan niệm triết lý siêu hình của các Đạo giáo để có thể đàm đạo, đối thoại là điều cần thiết. Nhưng việc học hỏi nên đề phòng những nguy cơ như sau: một là, không tìm hiểu thấu đáo ý nghĩa biểu tượng, phương pháp suy luận của người Á Đông, nên dễ hiểu lầm và giải thích sai lạc văn hóa Việt Nam; hai là, đã có sẵn thành kiến về các Đạo giáo được coi là “lầm lạc, mê tín, dị đoan”, nên khinh thường không cố công học hỏi, trái lại, đề cao văn hóa ngoại lai; ba là, đã nỗ lực sưu tầm những tinh túy trong nền triết lý dân tộc, nhưng vì thiếu hiểu biết về thần học Thiên Chúa Giáo, nên đâm ra hoài nghi, và mất đức Tin; bốn là, vì ái quốc cực đoan, vì lập trường chính trị, nên chủ trương “Tự Trị”, về luật lệ điều hành, tài chính và cả tín điều nữa, không hiệp thông với Giáo Hội Rôma; năm là, vì không hiểu rõ các quan niệm về đạo giáo và triết lý của dân tộc, nên họ đã lẫn lộn, không phân biệt được những điểm tương đương và những điểm khác biệt giữa đức Tin của Thiên Chúa Giáo và Văn hóa của dân tộc. Chẳng hạn như ý nghĩa chữ “ĐẠO” là gì? Có phải “đạo” là “đường”, là “đàng” hay còn những ý nghĩa siêu hình nào nữa không, trong thành ngữ “Thiên Đạo”, “nhân đạo”? Câu “Tri Hành Hợp Nhất” là một Nguyên lý của người Việt Nam hay là thuộc phái Tâm Học của Vương Dương Minh? (coi Nho Giáo, Trần Trọng Kim, quyển hạ, trang 255). Trong sách của thánh hiền, câu “Thiên nhân hợp nhất”, và câu “Thiên nhân tương dư (dữ)”, nghĩa là Trời và người quan hệ nhau rất mật thiết (Nho Giáo, trang 39), hai câu đó có nghĩa gì? Mặt khác, cũng cần nhận định một quan niệm khác biệt giữa Thần học Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo. Thường các Đạo giáo Đông phương chủ trương “Vạn Vật Nhất Thể”, hay thuyết Tam-Tài (Thiên-Địa-Nhân), nghĩa là Trời Đất, Người, cỏ cây, sông núi, v.v cùng có chung một bản thể, không có “bản vị” riêng biệt (impersonal). Trái lại, Thần học Thiên Chúa giáo nhấn mạnh đến tính cách “ngôi vị”, nghĩa là “Bản Thể” Siêu Việt vô cùng của Thiên Chúa hoàn toàn “khác” với bản thể của các loài thọ tạo như loài người, cỏ cây, động vật. Đây là quan niệm về Thần học “Ngôi Vị” (Personalist). Nói tóm lại, trong vấn đề Hội Nhập Đạo vào Văn hóa Việt Nam, điều khó khăn là làm thế nào tạo được thế quân bình: vẫn giữ được tinh thần Hiệp Thông, Hiệp Nhất với Giáo Hội hoàn vũ trong vấn đề tín lý, kỷ luật, đồng thời biểu hiện được những nét đặc thù, tinh tuý của người tín hữu Việt Nam.
d. Vấn đề đào tạo hàng giáo sĩ bản quốc
Đây không chủ ý phê phán về lòng đạo đức, nhiệt thành truyền giáo, tài năng, học vấn của hàng giáo sĩ, tu sĩ Việt nam, nhưng chỉ đặt vấn đề học hỏi, hiểu biết Văn hóa Việt Nam, như cha Đắc Lộ đã chủ trương khi tuyển mộ và đào tạo các Thầy Giảng và Linh Mục. Như các đoạn trên đã bàn luận, để xây dựng Giáo đoàn địa phương, công tác quan trọng nhất mà cha Đắc Lộ đã làm là huấn luyện hàng giáo sĩ và thành lập Hội Thầy Giảng. Cha đã đặt ra những tiêu chuẩn để tuyển mộ như: tương đối còn trẻ, độc thân, có trình độ trí thức khá cao về Văn hóa Việt Nam. Do đó, cha đã đặc biệt chiêu mộ các vị nho gia, các cựu tu sĩ Phật giáo để huấn luyện thành Linh mục hay Thầy giảng. Ngoài ra, nếu có thanh thiếu niên nào muốn đi tu mà chưa đủ học vấn, thì bắt buộc phải học Tứ Thư, Ngũ Kinh... rồi mới được chấp nhận vào tu. (6)
Điều đáng nêu ra ở đây để thẩm định là: sau cha Đắc Lộ hơn 300 năm, đường lối đào tạo, huấn luyện các tu sĩ, linh mục về vấn đề văn hóa dân tộc, vẫn chưa thực hiện đúng với ước vọng của nhà truyền giáo tiên phong! Khoảng thời gian gần trăm năm nay, Giáo hội được hưởng tự do tôn giáo để tổ chức chương trình đào tạo các giáo sĩ. Trong các Chủng viện cấp trung học, gọi là “trường La tinh”, các chủng sinh bắt buộc học môn cổ ngữ la tinh, vì là ngôn ngữ chính thức của Giáo Hội Rôma, dùng trong sách Phụng vụ, sách Kinh, và sách giáo khoa. Mãi cho đến những năm sau Công Đồng Vaticanô II, khi được phép dùng tiếng Việt trong Thánh Lễ, mới bỏ môn Latinh. Học môn cổ ngữ này là điều chính đáng vì là phương tiện truyền thông của Giáo hội, và để hiểu biết nguồn gốc các ngoại ngữ như tiếng Pháp, Anh, Ý, Tây ban nha... bởi gốc tiếng Latinh mà ra, tương tự như chữ Nho hay Hán tự là gốc của tiếng Việt, tiếng Hán-Việt. Điều đáng tiếc là: trong các chủng viện, môn chữ Nho, đã bị bãi bỏ, chỉ còn chú trọng đến môn Việt Ngữ. Trên Đại chủng viện, môn triết học Việt Nam, triết lý Á Đông không được giảng dạy thành bài giáo khoa có hệ thống, nhưng đôi khi được nêu ra một vài đề tài hay vấn nạn, trong những bài về Minh giáo (Apologetics), hoặc để phi bác những cái gọi là “sai lầm, trái đạo”, hoặc để hỗ trợ cho bài học tín lý. Và hậu quả như mọi người thấy, suốt thời gian gần một thế kỷ, Giáo hội chưa xuất bản được cuốn tự điển đầy đủ các danh từ về khoa thần học, triết học để làm phương tiện chuyển ngữ, phiên dịch, hoặc những bộ sách triết lý, thần học để có thể đối thoại, đàm đạo với các tôn giáo bạn. Vì thiếu căn bản về dân tộc học, nên đa số tu sĩ du học ngoại quốc cũng không sáng tác được những công trình lớn lao, giá trị để giới thiệu Đạo với đồng bào.
e. Hướng về Tương lai, về Thiên niên Thứ Ba
Nhìn lại quá khứ để rút ưu-khuyết điểm, hầu chuẩn bị tiếp tục công cuộc thực hiện trong ngàn năm mới. Trong tình trạng hiện thời của Giáo hội tại quê nhà cũng như tại quốc ngoại, nhiều thách đố, nhiều khó khăn đang chờ đón chúng ta. Điều thiết yếu là cấp lãnh đạo Giáo hội, theo gương cha Đắc Lộ, tùy hoàn cảnh, tùy khả năng, cần nghiên cứu các kế hoạch, phương pháp hiệu nghiệm để “Nhập Thể”, Hội nhập Tin Mừng vào môi trường sinh hoạt của đồng bào Việt nam, tại quốc nội cũng như tại quốc ngoại. Kinh nghiệm mấy ngàn năm lịch sử lập quốc cho thấy: trải qua bao cuộc thăng trầm, ngoại xâm, nội chiến, dân tộc Việt vẫn duy trì được căn tính, bảo vệ được những giá trị truyền thống. Đó là mối tự hào, vinh dự của nòi giống Lạc Hồng, và cũng là một đóng góp tinh thần vào nền văn minh chung của nhân loại.
Ngày nay, vì vận mệnh quốc gia xoay chuyển, tập thể người Việt sinh sống tại quốc ngoại rất đông đảo. Đối với tín hữu Công Giáo Việt nam rải rắc khắp năm châu, nếu muốn giữ vững đức Tin và tinh hoa của dân tộc, thì cần đối phó với nhiều vấn đề cấp bách, nhiều thách đố thôi thúc ra tay hành động, làm thế nào có thể tiếp nối đường hướng rao giảng Tin Mừng của tiền nhân để lại. Trong các cuộc hội thảo, hội nghị, hầu hết cấp lãnh đạo và giáo dân đều đồng ý về nguyên tắc và lý tưởng như sau: Bảo vệ Đức Tin và lưu truyền tinh hoa, giá trị của dân tộc cho thế hệ tương lai. Đây chính là vấn đề: bảo vệ căn tính (identity) riêng biệt của người Việt, đồng thời “Hội nhập” vào văn hóa, vào giáo hội địa phương. Trừ một thiểu số có lập trường “quá khích” tẩy chay văn hóa ngoại quốc, viện cớ là văn minh vật chất, luân lý đồi bại, gia đình tan rã...; ngược lại, cũng có người, nhất là giới trẻ, không phân biệt điều tốt, thói xấu trong phong tục tập quán Việt nam, chối bỏ quá khứ dĩ vãng, không nói và học tiếng Việt nữa và hoàn toàn “đồng hóa” với dân nước địa phương. Nhưng kinh nghiệm cho thấy: khước từ nguồn gốc, căn tính, văn hóa của mình, “lột xác, bán linh hồn”, để “ đồng hóa” hoàn toàn với một văn hóa khác, là điều khó thực hiện. Đây không phải là óc kỳ thị chủng tộc, hay óc bài ngoại, nhưng là vấn đề: hiệp nhất trong sự khác biệt (e pluribus unum). Tại Hiệp Chúng Quốc, đã có thời người ta chủ trương “trộn lẫn”các chủng tộc (melting pot), nhưng ngày nay đã thay đổi thành ra “Rainbow” (Cầu Vồng, năm sắc). Ngày nay, đặc biệt tại Hawaii, quan niệm chân chính về Hội Nhập Văn Hóa được đề cao, nghĩa là mỗi sắc dân sinh sống tại quần đảo như dân địa phương và các chủng tộc di dân như Samoa, Fiji, Tahiti, Nhật, Hoa, Đại Hàn, Việt nam, Bồ đào nha, Phi, Hispanics... được khuyến khích bảo tồn và biểu diễn văn hóa của mình trong những cuộc diễn hành, hay các cuộc lễ kỷ niệm. Ngoài ra, kinh nghiệm cũng cho thấy: những người cùng nói tiếng “Hispanics” (Tây Ban Nha) như Mễ, Guatamala, ... vì cùng chung văn minh Thiên Chúa Giáo với đa số dân Hoa kỳ từ Âu châu đến như Ái Nhĩ Lan, Anh, Pháp, Ý... nên việc hội nhập rất dễ dàng, chỉ sau một thế hệ, đến đời con cháu đã thực sự đồng hóa với dân địa phương. Trái lại, đối với các dân tộc đã có một nền văn hóa kỳ cựu và khác biệt với văn minh Thiên Chúa Giáo như Việt Nam, Trung Hoa, Nhật bản... thì hiện tượng đồng hóa gặp nhiều trở ngại, khó khăn, và cần một thời gian lâu dài. Bởi vậy, không lạ gì, dầu người Tàu, người Nhật đã lập nghiệp tại Hoa kỳ gần 200 năm, nhưng người ta vẫn phân biệt, vẫn gọi: “Chinese-American”, “Japanese-American”,... và “Chợ Tàu (China Town) lan tràn khắp nơi. Thống kê cho thấy, các cặp hôn nhân tạp chủng, hỗn hợp (mixed marriage) khó thành đạt và bền vững vì tập quán và văn hóa khác biệt giữa họ hàng, bà con nội-ngoại. Một hiện tượng xã hội khác cũng thường xẩy ra: tại trường tiểu học, các học sinh đủ mọi sắc tộc đều chơi thân, kết bạn với nhau, nhưng khi lên bậc trung học, đại học, nếu cần kết bạn “tâm tình”, thì thường thấy chúng “cặp kè” với bạn đồng hương.
Riêng về vấn đề hội nhập vào các Giáo đoàn địa phương, người tín hữu Việt Nam theo đường hướng nào?
Tại quốc ngoại, chúng ta được hưởng hoàn toàn tự do tôn giáo, lại có đầy đủ phương tiện tổ chức, hội họp, học hỏi, vậy chúng ta đã làm gì để hội nhập Tin Mừng vào môi trường đang sinh sống, nhất là có thể thông cảm, và đánh tan mọi ngờ vực, nghi ky, tạo cơ hội để đàm đạo, đối thoại với các tôn giáo bạn chưa? Trong những năm qua, cộng đồng công giáo Việt Nam, đã thành lập được những tổ chức như “Liên Đoàn”, “Liên Tu sĩ”, “Liên Tôn Liên Lạc”, v.v., nhưng chỉ thật sự hoạt động để đối phó với nhu cầu khẩn thiết, cấp bách như tổ chức Lễ Phong Thánh, Yểm Trợ, hay các kỷ niệm. Ngoài ra, cấp lãnh đạo và giáo dân chưa nghiên cứu được một kế hoạch qui mô, một đường hướng mục vụ thích hợp cho tập thể người công giáo Việt Nam tại quốc ngoại, tương tự như những nguyên tắc chỉ đạo của cha Đắc Lộ về vấn đề truyền giáo. Xét cho cùng, những tổ chức trên đều có tính cách thân hữu, chứ không được Hội Đồng Giám Mục tại địa phương chính thức công nhận, vì cấp lãnh đạo Giáo Hội địa phương không có một chính sách chung cho toàn quốc, cho các Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại các địa phận, hay giáo xứ. Do đó, mỗi địa phận, mỗi giáo xứ địa phương đối đãi với cộng đồng Việt Nam một cách khác nhau, tùy thuộc cảm tình của vị giám mục hay linh mục chánh xứ. Hiện nay, một thiểu số cộng đồng công giáo Việt Nam được thành lập với qui chế của một giáo xứ riêng: “Nhà Thờ Việt Nam”, linh mục Việt Nam làm chính xứ, có nhà xứ và văn phòng riêng, tự túc về tài chính. Còn phần lớn các Cộng Đồng mượn nhà thờ địa phương để dâng Thánh Lễ, tiền thu được nộp cho giáo xứ và cha quản nhiệm được “bài sai” chính thức làm phụ tá cho giáo xứ, kiêm phụ trách giáo dân nói tiếng Việt. Những cộng đồng nhỏ, ít người Việt rải rắc trong các tiểu bang, thỉnh thoảng mời một linh mục Việt Nam đến dâng Thánh Lễ. Điều đáng nêu ra ở đây là: ước mong được soạn thảo một chương trình qui mô, một đường hướng hợp thời, hợp hoàn cảnh mới về việc dạy Giáo lý và Việt ngữ để giúp thế hệ trẻ giữ vững Đức Tin và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Một vài sách giáo lý song ngữ dịch từ ngoại ngữ, nhưng không đủ cho các lớp, không đáp ứng nhu cầu của trẻ em Việt Nam mới đến định cư. Vấn đề dạy Việt ngữ rất quan trọng vì giúp cho các cộng đồng được tồn tại lâu bền, nhất là để các trẻ em có thể nghe được hiểu được những lời khuyên bảo dạy dỗ của ông bà cha mẹ, hoặc thưởng thức những câu ca tiếng hát, và thông hiểu lịch sử, văn hóa quê cha đất tổ.
Vấn đề các tu sĩ nam nữ, chủng sinh, linh mục Việt Nam tại quốc ngoại
Theo đường hướng mục vụ của Vị Tông Đồ khai sáng nên Giáo Hội Việt Nam, việc huấn luyện và đào tạo các thầy giảng, các tu sĩ nam, nữ, các linh mục để lãnh đạo các cộng đồng, và rao giảng Tin Mừng cho đồng bào, là điều tối hệ trọng. Hiện nay trên thế giới, giới nhà tu Việt Nam đông đảo, hùng hậu' hơn nữa, được tự do hoạt động, lại nhiều cơ hội học hành, trau giồi kiến thức. Theo luật chung của Giáo Hội, và luật của các Dòng Tu, mỗi chủng sinh, linh mục, mỗi tu sĩ đều “nhập tịch” vào một địa phận, hay thuộc về Hội Dòng. Theo nguyên tắc, giới tu sĩ do các địa phận, hay hội Dòng tuyển mộ, phải được huấn luyện chu đáo về ngôn ngữ, văn hóa, để có khả năng làm việc truyền giáo tại địa phương. Sau hơn 20 năm di cư, ở nhiều nước trên thế giới, giới tu sĩ Việt Nam đã chứng tỏ lòng nhiệt thành, đức độ và tài năng có thể đảm trách những chức vụ trong Giáo hội. Đấy là một vinh dự cho cá nhân và gia đình, nhưng cũng là một hãnh diện của con cháu Lạc Hồng đã đóng góp vào việc rao giảng Tin Mừng cho thế giới. Điều muốn chia sẻ ở đây, thực ra chỉ là một “ước vọng” mà thôi, hoàn toàn tùy thuộc vào thiện chí của mỗi người! Nếu còn nhớ đến nguồn gốc quê hương, đến tổ tiên đã sinh thành ra mình, đến các vị tiên phong truyền giáo như cha Đắc Lộ, đến các Thánh Tử Đạo, đến Giáo Hội quê nhà thiếu thốn mọi mặt..thì chắc quí vị sẽ dùng thì giờ nhàn rỗi, dùng tài năng, tiền bạc, v.v. để giúp vào việc xây đắp nền Văn Hóa Việt Nam, bằng những tác phẩm dịch thuật, hoặc bằng những sáng tác phẩm giá trị, để làm giầu cho kho tàng văn hóa nước nhà, đồng thời giới thiệu những tinh hoa của dân tộc cho mọi nước, mọi dân trên hoàn vũ. Mong lắm thay!
Tác giả Lm. Jos Cao Phương Kỷ
Nhận xét
Đăng nhận xét