Các cuộc viếng thăm Do Thái của các vị tiền nhiệm Đức Phanxico

Khi tới Do Thái vào ngày 25 tháng này, Đức Phanxicô sẽ là vị giáo hoàng hiện đại thứ 4 viếng thăm lãnh thổ của miêu duệ Ápraham.

Pope-Paul-VI.gif  
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ truyền tin ở Nazareth sau khi cử hành Thánh Lễ


                Nhắc lại ba cuộc viếng thăm đầu, trang mạng của Bộ Ngoại Giao Do Thái lưu ý tới 3 lời phát biểu lần lượt của Đức Phaolô VI năm 1964, của Đức Gioan Phaolô II năm 2000 và của Đức Bênêđíctô năm 2009.
Cuộc viếng thăm của Đức Phaolô VI chỉ kéo dài chưa tới một ngày, đúng ra chỉ có 11 tiếng đồng hồ, nhưng vẫn được cộng đồng quốc tế coi là biến cố lịch sử. Và dù Vatican chưa chính thức thừa nhận Nhà Nước Do Thái vào năm 1964, Đức Phaolô VI vẫn đã gặp Tổng Thống của Nước này là Ông Zalman Shazar.
Mục đích chuyến đi là để cổ vũ việc hợp nhất của Kitô Giáo. Bởi thế, khía cạnh nổi bật nhất trong cuộc du hành này là cuộc gặp gỡ Thượng Phụ Đại Kết Athenagoras I trên Núi Cây Dầu. Kết quả cuộc gặp gỡ này là việc thu hồi các án tuyệt thông đưa ra nhân dịp Cuộc Ly Giáo Vĩ Đại năm 1054, giúp biến Giêrusalem thành địa điểm của khả thể hàn gắn lịch sử.
Tuy nhiên, đối với người Do Thái, họ lưu ý nhiều hơn tới các nhận định của ngài hôm đó, nhất là những giòng sau đây:
“Chúng tôi thấy và dấn bước trên mảnh đất nơi các tổ phụ từng sinh sống; mảnh đất nơi tiếng các tiên tri đã vang vọng, đã lên tiếng thay cho Thiên Chúa của Ápraham, của Ixaác và của Giacóp; mảnh đất mãi mãi được chúc phúc và được nên thánh thiêng nhờ sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô…
“Trong cuộc viếng thăm này, chúng tôi được hướng dẫn bởi những quan tâm hoàn toàn thiêng liêng. Chúng tôi tới đây như những người hành hương; chúng tôi tới đây để tôn kính các nơi thánh; chúng tôi tới để cầu nguyện…
“Chúng tôi cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho mọi người, cả những người tin lẫn người không tin, và chúng tôi hân hoan bao gồm con cháu của “Dân Giao Ước” mà vai trò của họ trong lịch sử tôn giáo của nhân loại không thể nào bị lãng quên…
“Chúng tôi cầu nguyện cho sự hòa giải của con người với Thiên Chúa và cho sự hòa hợp sâu xa và chân chính giữa mọi người và mọi dân tộc. Chúng tôi tóm tắt mọi hy vọng và lời cầu của chúng tôi trong chữ Shalom! Shalom! (lời chúc bình an của người Do Thái)”.
Cuộc thăm viếng năm 2000 của Đức Gioan Phaolô II được chào đón như một thứ “ngoại giao cho thiên niên kỷ mới”. Thực vậy, cuộc thăm viếng này đã rõi một thứ ánh sáng mới lên mối liên hệ giữa Tòa Thánh và Do Thái và được truyền thông thế giới chào đón như một bước đột phá trong nền ngoại giao quốc tế. Không như cuộc viếng thăm của Đức Phaolô VI, cuộc viếng thăm này có tính chính thức. Ngoài việc viếng thăm các nơi thánh, Đức Gioan Phaolô II còn viếng Bức Tường Than Khóc và viện bảo tàng Yad Vashem tưởng niệm biến cố Diệt Chủng, vốn được coi như chủ yếu đối với Do Thái Giáo.
Và hành vi đặt lời cầu nguyện của ngài tại Bức Tường Than Khóc vào ngày 26 tháng Ba năm 2000 đã được người Do Thái đặc biệt lưu ý. Lời Cầu Nguyện ấy như sau:
“Lạy Thiên Chúa của cha ông chúng con,
Chúa đã chọn Ápraham và dòng dõi ngài
để đem Danh Chúa tới mọi dân tộc:
Chúng con rất buồn
Vì tác phong của những người
Trong dòng lịch sử
Đã khiến những con cái này của Chúa phải chịu đau khổ,
Và trong khi xin Chúa tha thứ
Chúng con muốn theo đuổi tình huynh đệ chân thực
với Dân Giao Ước”.
PopeJohnPaulII.jpg

Giáo hoàng Gioan Phaolô II 

PopeBenedictXVI.jpg
Giáo hoàng Biển Đức XVI

Chín năm sau, người kế vị Đức Gioan Phaolô II cũng tới thăm chính thức Do Thái. Cuộc viếng thăm của Đức Bênêđíctô XVI cũng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cả về tôn giáo lẫn chính trị. Tuy nhiên, người Do Thái vẫn lưu ý hơn cả tới lời cầu nguyện ngài đặt vào một hốc đá khác của cùng Bức Tường Than Khóc vào ngày 12 tháng Năm, 2009:
“Lạy Thiên Chúa của mọi thời đại,
Trong cuộc thăm viếng Giêrusalem, “Kinh Thành Hòa Bình” của con,
Quê hương thiêng liêng của người Do Thái, của người Công Giáo cũng như của người Hồi Giáo,
Con mang tới trước Ngài các niềm vui, niềm hy vọng và hoài mong,
Các thử thách, đau khổ và đớn đau của mọi người dân của Ngài trên khắp thế giới.
Lạy Thiên Chúa của Ápraham, của Ixaác và của Giacóp,
Xin lắng nghe tiếng kêu than của người sầu khổ, người sợ sệt, người bị tước đoạt;
Xin ban bình an của Ngài xuống cho Đất Thánh này, xuống Trung Đông này, xuống toàn thể gia đình nhân loại;
Xin hãy đánh động tâm hồn tất cả những ai kêu cầu Thánh Danh Ngài,
Để họ biết khiêm hạ bước theo con đường công lý và cảm thương.
‘Chúa nhân hậu với những ai chờ mong Người,
Với linh hồn biết tìm kiếm Người!’” (Ac 3:25).
Đánh giá quân bình nhất về chuyến viếng thăm này có lẽ là của Ronald Lauder, chủ tịch Hội Đồng Do Thái Giáo Thế giới, ngày 22 tháng 5, 2009, khi tới Vatican viếng thăm Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Tarcisio Bertone. Ông cho rằng “Dù là một cuộc du hành phức tạp, kết quả của nó vẫn tích cực và là một định mức cho việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các Kitô hữu và người Do Thái”.
Vì phức tạp, nên tiến sĩ Jonathan Mirvis đã viết bài “câu truyện về ba trình thuật” đăng trên tờ Haaretz ngày 31 tháng 5, 2009. Theo ông, có ba lối tường thuật cuộc viếng thăm của Đức Bênêđíctô XVI tại Do Thái. Lối tường thuật đầu có những hàng tít đại loại như “Đức Giáo Hoàng thăm Do Thái và từ khước không xin lỗi về nạn Diệt Chủng”. Lối thứ hai với những hàng tít như “Đức Giáo Hoàng viếng Đất Thánh và cầu nguyện tại các nơi thánh”. Ông bảo: lối thứ nhất là của truyền thông Do Thái. Lối thứ hai là của truyền thông Kitô Giáo. Còn lối thứ ba phản ảnh truyền thống tôn giáo truyền thống của Do Thái, theo đó, cuộc thăm viếng của Đức Giáo Hoàng không được kể là một biến cố.

Cũng chính vì thế, trong bữa ăn sáng làm việc với các đại sứ và nhà báo ở Rôma mấy ngày qua, Đại Sứ Do Thái Zion Evrony không ngại cho hay: trong ba cuộc tông du Đất Thánh trên đây, ông đánh giá cao nhất cuộc tông du của Đức Gioan Phaolô II. Lý do hiển nhiên là vì ngài chính thức lên tiếng xin lỗi về nạn Diệt Chủng.
Nhưng phần lớn người ta đã bỏ lỡ sứ điệp căn bản của cuộc viếng thăm của Đức Bênêđíctô. Ngày 18 tháng 5, năm 2009, tại Vatican, suy nghĩ về chuyến đi của mình, ngài cho rằng “Đất Thánh, biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa dành cho dân Người và cho toàn thể nhân loại, cũng là biểu tượng của tự do và hòa bình mà Thiên Chúa muốn cho mọi con cái của Người. Tuy nhiên, trên thực tế, lịch sử của hôm qua và hôm nay cho thấy rằng chính Lãnh Thổ này đã trở thành biểu tượng của chống đối nhau, nghĩa là của chia rẽ và tranh chấp liên tục giữa anh em một nhà”.
Ngài giải thích thêm: “Đúng, Thiên Chúa đã đến mảnh đất này… nhưng có thể coi Đất Thánh như là một tiểu vũ trụ thâu tóm trọn cuộc hành trình cam go của Thiên Chúa với nhân loại. Một cuộc hành trình thậm chí đã xoắn kết thập giá bằng tội lỗi, nhưng cũng bằng dư thừa tình yêu Thiên Chúa, cả niềm vui của Chúa Thánh Thần, sự phục sinh đã bắt đầu nữa, và đây là một hành trình, xuyên qua thung lũng khổ đau, tiến tới Nước Thiên Chúa, một nước không thuộc đời này, nhưng sống trong đời này và phải làm đời này thấm nhiễm sức mạnh công lý và hòa bình”.
Tóm lại đến Đất Thánh, Đức Bênêđíctô XVI muốn nhắc mọi người nhớ tới nét đặc thù và nét phổ quát của hành trình cứu rỗi: “hành trình cứu rỗi này khởi đầu với việc tuyển chọn một con người, tức Ápraham và một dân tộc, tức Israel, nhưng mục tiêu của nó là đại đồng, phổ quát, tức ơn cứu rỗi cho mọi dân tộc”. Bởi thế mà ngài khởi đầu lời cầu nguyện tại Bức Tường Than khóc không phải với Chúa của Ápraham mà là với “Thiên Chúa của mọi thời đại”.
Thực tâm, Đức Bênêđíctô XVI hết sức tế nhị trong chuyến viếng thăm Israel của ngài, lưu ý rất nhiều đến các mẫn cảm của họ: không thăm Gaza, không phản đối khi nhà cầm quyền Do Thái không cho phép cư dân Aida dựng khán đài ngay bên dưới bức tường an ninh, và cũng không phản đối khi nhà cầm quyền Do Thái đóng cửa một trung tâm báo chí Palestine tại Đông Giêrusalem. Thậm chí máy bay của ngài cũng đã rời phi trường Tel Aviv trước khi mặt trời lặn vào ngày Thứ Sáu, để tránh gây ảnh hưởng tới ngày Sabát Do Thái. Chưa hết, Tom Henegan tường thuật rằng trong một cuộc gặp gỡ liên tôn, khi một giáo sĩ Do Thái hát bài “Shalom, Salaam, Xin Chúa Ban Bình An Cho Chúng Con”, cả 11 vị giáo sĩ trên khán đài đều đứng dậy cùng hát theo. Và cả Đức Bênêđíctô XVI nữa, bắt đầu còn hơi chút do dự, nhưng sau đó cùng phụ họa vào lời ca. Quả là một “buổi kumbaya”, một “dịch bản tôn giáo của We Are The World”!
Tất cả các cử chỉ trên bị người Do Thái coi như không trước việc Đức GH không xin lỗi về thảm họa Diệt Chủng.
Tin mừng theo Đức Phanxicô
Nhà báo Nir Hasson của tờ Haaretz, ngày 16 tháng 5, cho hay: lần này, Do Thái được an tâm, cuộc thăm viếng của Đức Phanxicô không liên quan tới những điều khiến họ quan ngại. Vì những vấn đề như Do Thái, Diệt Chủng, Người Palestine và ngay cả cuộc tranh cãi liên quan tới Phòng Tiệc Ly trên Núi Xion ở Giêrusalem đều không phải là những quan tâm hàng đầu của Đức Phanxicô khi ngài tới đây thăm viếng.
Thực thế, chỉ cần nhìn vào các bích chương chính thức chào mừng cuộc viếng thăm của ngài cũng đủ hiểu là Do Thái và Trung Đông là những điều ít quan trọng trong cuộc viếng thăm này. Thêm vào chân dung Đức Phanxicô ở giữa bích chương, ta thấy có hai bức hình khác: một bức trắng đen tả lại cuộc gặp gỡ lịch sử năm 1964 giữa Đức Phaolô VI và Thượng Phụ Đại Kết Athenagoras I. Bức thứ hai mô tả cuộc gặp gỡ giữa Thượng Phụ Barthôlômêô I và Đức Phanxicô dịp đăng quang của vị sau. Do đó, cuộc viếng thăm của Đức Phanxicô không phải là cuộc hành hương thập tự quân mà cũng chẳng phải là một sứ vụ ngoại giao. Thậm chí việc gặp mặt các cộng đồng Kitô Giáo địa phương cũng được gạt qua một bên.
Chủ điểm và lý do biện minh chính của cuộc tông du lần này là cái bắt tay giữa hai nhà lãnh đạo Kitô Giáo: người đứng đầu Giáo Hội Phương Tây và người đứng đầu Giáo Hội Phương Đông. Cái bắt tay lịch sử này sẽ diễn ra trước ngôi mộ trống của Chúa Giêsu tại Nhà Thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem.
Hai phân nửa của Giáo Hội này đã chia rẽ gần 1,000 năm qua vào năm 1054. Kể từ đó, các liên hệ giữa hai Giáo Hội lúc lên lúc xuống, nhưng nhiều cuộc chiến đẫm máu đã từng diễn ra. Đúng 50 năm trước đây, cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức GH Phaolô VI và Thượng Phụ Athenagoras đã diễn ra tại Giêrusalem. Yisca Harani, một chuyên viên Do Thái về Kitô Giáo nhận định rằng “nó là một cơn địa chấn, một điều gì giống cú bắt tay giữa Arafat và Rabin. Có những người tởm gớm nó và có những người thấy trong nó buổi bắt đầu của một thời kỳ mới”.
Cuộc gặp gỡ lần này rất có ý nghĩa. Giêrusalem được chọn vì hai lý do: một phần vì tính thánh thiêng của nó, phần khác vì Giêrusalem là địa điểm khai sinh của Giáo Hội hợp nhất. Nhà Thờ Mộ Thánh vốn bị coi là biểu tượng chia rẽ thế giới Kitô Giáo. Nhưng cũng tại đây, người hai bên đã bắt tay nhau. Đây là cơ hội để khẳng định rằng Giêrusalem cũng là nơi có thể hợp nhất chứ không hẳn chỉ tạo chia rẽ”.
 Vũ Văn An

Nhận xét