Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói về Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Tôi biết Đức Gioan Phaolô II đã là một vị thánh khi còn sinh thời " Đức Biển Đức XVI "

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức nguyên Giáo hoàng Benêđictô XVI khi ngài còn là Hồng Y Joseph Ratzinger
  Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi, Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã hồi tưởng về những tương quan thân tình giữa mình với Chân Phước Gioan Phaolô II và cho biết, sự thánh thiện và đời sống tâm linh sâu sắc đã biểu hiện rất rõ khi ngài còn sinh thời.
Văn phòng báo chí Tòa Thánh cũng vừa cho biết, Đức Biển Đức XVI sẽ đồng tế trong thánh lễ tuyên thánh cho Đức Gioan Phaolô II và Đức Gioan XXIII vào Chúa nhật này.
“Trong những năm mà tôi còn làm việc với ngài, tôi đã cảm nhận rằng ĐGH Gioan Phaolô II đã là một vị thánh khi còn sinh thời. Theo thiển ý của tôi, tương quan sâu sắc và sự hiệp thông với Thiên Chúa là điều cần phải được nói đến trước tiên khi chúng ta đề cao nhân đức của ngài. ” Đây là những chia sẻ của Đức Biển Đức XVI trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Ba Lan Wlodzimierz Redzioch về Chân Phước Gioan Phaolô II, vừa được công bố ngày 20 tháng Tư trên tờ báo “La Razon” của Tây Ban Nha.
Đức Biển Đức XVI, trong cương vị Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin dưới triều Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho biết, vị Giáo hoàng người Ba Lan này đã can đảm “chấp nhận nhiệm vụ lãnh đạo Giáo Hội trong một thời điểm thực sự khó khăn.”
“Giáo hoàng Gioan Phaolô II không cần sự cổ vũ và cũng không lo lắng về cách mà người ta đón nhận quyết định của ngài. Ngài quyết định dựa trên đức tin và nhận thức nội tâm. Ngài sẵn sàng chấp nhận công kích [từ những phía đối lập]. Theo quan điểm của tôi, can đảm làm chứng cho sự thật là thước đo chính cho sự thánh thiện. Khi nhìn vào tương quan của ngài với Thiên Chúa, ta có thể hiểu được tâm huyết của ngài trong công việc mục vụ. ” Đức Biển Đức kể lại.
Đức Biển Đức XVI cũng nhắc lại quyết định của vị thánh tương lai trong việc đối đầu với sự lan truyền của thần học giải phóng ở châu Mỹ Latinh.
“Ở châu Âu và Bắc Mỹ, có một quan điểm chung cho rằng [thần học giải phóng] hỗ trợ cho người nghèo và do đó, đó là một nguyên nhân để nó phải được hoàn toàn chấp thuận. Tuy nhiên điều đó là một sai lầm.”
Đức Biển Đức XVI giải thích tiếp: thần học giải phóng thật ra nhắm đến việc sử dụng đức tin Kitô giáo và chuyển nó “thành một sức mạnh chính trị. Các truyền thống tôn giáo của đức tin được dùng để phục vụ cho hoạt động chính trị. Với cách thức này, đức tin trở nên cách biệt sâu sắc với chính nó (the faith was profoundly alienated from itself) và vì thế tình yêu đích thực dành cho người nghèo cũng trở nên yếu đi. Việc phản đối lại thứ đức tin Kitô giáo giả danh như thế là cần thiết, vì tình yêu dành cho người nghèo và sự phục vụ họ.”
Bối cảnh tại quê hương Ba Lan của Đức Gioan Phaolô II – vào thời điểm đó đang bị cộng sản cai trị – “đã giúp ngài (Đức Gioan Phaolô II) thấy rằng, Giáo Hội thực sự nên hành động cho tự do và giải phóng không phải bằng phương pháp chính trị nhưng bằng cách thức tỉnh con người, thông qua đức tin, [để họ trở thành] những lực lượng giải phóng đích thực,” Đức Biển Đức XVI nói.
Đức Thánh Cha Biển Đức cũng nhấn mạnh rằng sự cộng tác giữa ngài với Đức Gioan Phaolô II “luôn được đánh dấu bởi tình bạn, cả trong tương quan công việc và ở mức độ cá nhân.” Chân Phước Gioan Phaolô II rất thành thạo trong văn học đương đại Đức nên cả hai người có thể dễ dàng cảm nhận khi chia sẻ. Mỗi thứ Ba, cả hai người cùng thảo luận về các điểm giáo lý cho buổi dạy giáo lý chung vào mỗi thứ Tư. Chân Phước Gioan Phaolô II luôn chuẩn bị sẵn chủ đề và cách thành viên liên quan sẽ từ đó phát triển thêm. Từ những buổi thảo luận này cho thấy rõ ràng về năng lực và thẩm quyền thần học của ngài, và điều đáng ngưỡng mộ là ngài luôn sẵn sàng tiếp thu các ý kiến khác nhau.
Đức Biển Đức XVI cũng nhấn mạnh về “ba thông điệp quan trọng” Đức cha Gioan Phaolô II đã công bố. Thông điệp Đấng Cứu Chuộc con người (Redemptor hominis), với những tổng hợp của cá nhân ngài về đức tin Kitô giáo. Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế (Redemptoris Mission), nói về những tương quan của việc đối thoại liên tôn và công việc truyền giáo.
Thông điệp Ánh rạng ngời chân lý (Veritatis splendor), đề cập đến các vấn đề luân lý và vẫn còn giá trị cho đến ngày hôm nay. Thông điệp Đức tin và lý trí (Fides et ratio) đặt ra một lối nhìn mới về tương quan giữa đức tin Kitô giáo và các luận lý triết học. Thông điệp Tin Mừng Sự Sống (Evangelium vitae) là một trong những chủ đề quan trọng triều đại giáo hoàng của ngài, nói về phẩm giá của sự sống con người từ lúc thụ thai cho đến khi trưởng thành.
Đức Biển Đức XVI cũng cho biết, đời sống tâm linh của vị tiền nhiệm cũng là một điểm đáng trân trọng, với đời sống cầu nguyện liên lỉ “được bắt nguồn sâu xa từ việc cử hành Thánh Lễ.” Ngài dành cho Đức Maria một tình yêu tuyệt vời. Mọi sự đều dâng cho Mẹ có nghĩa là cùng với Mẹ, hoàn toàn [hiến dâng] cho Thiên Chúa. Đức Như Maria đã không sống cho chính mình và dành cả cuộc đời cho Thiên Chúa, ĐTC Gioan Phaolô II đã học từ Mẹ và cùng với Mẹ hiến dâng trọn vẹn và nhanh chóng con người cho Đức Kitôi.
“Tôi luôn nhớ về ĐTC Gioan Phaolô II với lòng biết ơn. Tôi biết là với khả năng hạn hẹp của mình, tôi không thể và cũng không nên bắt chức những gì ngài đã làm, tuy nhiên tôi đã cố gắng duy trì và chuyển tiếp di sản tinh thần của ngài tốt nhất có thể.” Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói.
Trinh Nguyễn

Nhận xét